Thứ Bảy, 17 tháng 8, 2013

Như con chim bói cá


Như con chim bói cá
trên cọc nhọn trăm năm.
Tôi tìm đời đánh mất
trong vụng nước cuộc đời 


Tôi chỉ nhìn thấy hình vẽ chú chim bói cá có mỏ dài , đậu trên một cọc nhọn với cái bóng lằng ngoằng trên mặt nước . Ấy là hình minh họa cho bài thơ Khúc thụy du của Du Tử Lê in trên một trang sách.


Khi tôi về Cao Lãnh , vô khu du lịch sinh thái Gáo Giồng , tôi cũng để ý tìm xem có chú chim bói cá nào không . Tôi chụp được nhiều hình cò , nào cò bay , cò đậu ...  cò trắng , cò ma , cồng cộc ... nhưng hình như không có con chim bói cá nào .  


Tôi cũng không hiểu sao tôi lại để ý đến chim bói cá . Có lẽ vì mấy câu thơ trên của Du Tử Lê chăng ? Tôi thì có lẽ không hề vất  cuộc đời mình đâu đó để phải đi tìm kiếm . Mặc dù ngày trước một người bạn đồng nghiệp của tôi - đã đi vào cõi vĩnh hằng hơn chục năm nay - có lần nói :" tuổi trẻ của chúng ta bị đánh cắp " , và tôi đã gật gù với ý nghĩ đó . 


Đời sống như thân nấm
mỗi ngày một lùn đi.
Tâm hồn ta cọc lại
ai làm người như tôi?


Và...


Hãy nói về cuộc đời
khi tôi không còn nữa.
Sẽ mang được những gì
về bên kia thế giới


Trong khi chưa tận mắt nhìn thấy "chim bói cá trên cọc nhọn trăm năm" , thỉnh thoảng những câu thơ của Du Tử Lê lại bất chợt trở về trong tâm trí tôi trong một phút mệt mỏi nào đó ...


Mấy hôm trước vào trang  Facebook của một bạn trẻ , thấy bạn đưa hình chú chim bói cá trong khuôn viên cơ quan bạn . Lạ , một cơ quan ở trung tâm Sài gòn lại có chim bói cá . Thì ra cơ quan bạn có sân vườn rộng , có một hồ nuôi cá giữa vườn cây . Ôi thật là một không gian xanh hiếm hoi còn sót lại ở thành phố này . Cũng cầu mong cho những con người hiện đại ở đó biết trân quý mà giữ gìn chút thiên nhiên còn lại nơi ấy ...


Đây là hình chú chim bói cá ở cơ quan bạn trẻ







14 nhận xét:

  1. Aha, đúng là chú chim bói cá, có thân hình ngắn, tròn, mỏ dài, đuôi cụt... Trong thành phố này có rất nhiều chim cu đất, sáo, cả diều hâu và quạ nhưng lần đầu tiên tôi thấy hình một chú chim bói cá ở thành phố, quá tuyệt, điều này chứng tỏ thiên nhiên ở Saigon bây giờ khá tốt.

    "Như loài chim bói cá/ Trên cọc nhọn trăm năm/ Tôi tìm đời đánh mất..." Hy vọng chú chim bói cá nơi một khuôn viên của biệt thự sẽ tìm được cuộc đời đã mất :-)))

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cũng hy vọng chú chim này sẽ được yên ổn , nó bé quá nên hy vọng không bị mấy ông nhậu dòm ngó bắt đem nướng mọi ((-:

      Mấy hôm trước , buổi sáng có chiếc trực thăng bay thấp , vòng vòng thành phố kéo theo chim chóc bay tán loạn , mới thấy thành phố cũng còn nhiều chim chóc lắm .

      Xóa
  2. Hihi ..chim bói cá có cái mỏ nhọn hoắc và dài ..nhìn ngồ ngộ chị Marg hén ...mà chị ui , thật tình em hỏng biết truyền thuyết về loài chim này và tại sao nó lại có cái tên như thế ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ah , Nangtuyet ơi , chim bói cá dùng cái mỏ nhọn của nó để bắt cá dưới ao hồ xơi đó , chắc vì vậy mà nó có tên chim bói cá ((-:

      Xóa
    2. Có lẽ bạn Marg. không rành lắm về loài chim? Tuy là dân Cao Lãnh nơi có chim cò rất nhiều. Có lẽ loài chim bói cá chẳng có truyền thuyết nào kèm theo cả, chắc chỉ là cái tên chỉ "hành động kiếm sống là bắt cá" của nó. Chim bói cá trông không giống cò, hay bồ nông, cồng cộc... là các loại chim chuyên ăn cá, trông nó giống loài chi ăn sâu bọ, côn trùng hơn, nhưng nó lại chuyên sống về bắt cá. Nó không có cặp chân dài để lội nước như cò, nhưng nó như một "chiến đấu cơ" thượng hạng, bổ nhào từ trên cành cây xuống mặt ao hồ khi nhìn thấy cá. Cũng như chim "gõ kiến" chuyên gõ vào thân cây bắt kiến.

      Nhưng tại sao lạ là "bói cá" chứ không phải là "bắt cá". Trong từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn Ngữ - Trung Tâm Từ Điển Học - Hoàng Phê chủ biên, thì chữ "bói" ngoài nghĩa là "đoán" (thày bói), hoặc "ra quả lần đầu" (bói quả, cây ra quả lần đầu), thì còn có nghĩa là "tìm ra" (bói đâu ra tiền, tìm đâu ra tiền). Chim bói cá là "chim tìm ra cá". Mà đúng là như thế, trong thành phố mà chú chim bói cá còn tìm ra cái hồ nước có nuôi cá trong một biệt thự để kiếm sống, hihi!

      Xóa
    3. Có khi lại sẽ có một vài con chim bói cá bằng giấy được ra đời dưới bàn tay nghệ nhân khéo léo của mình đây!

      Con chim thì vọc mỏ của mình vào nước để tìm mồi, còn DTL thì lại "đi tìm lại cuộc đời đã mất trong vũng nước của cuộc đời!"

      Vậy con chim bói cá đi tìm cá để ăn, còn con người sao lại đi tìm lại những gì đã mất nhỉ? Mất có nghĩa là mất đi, liệu có tìm được cái mất đi chăng? Chịu! Bà già chịu nghĩ không ra đó Marg. ơi! Thôi ta cứ sống với hiện tại, có mất rồi thì cũng nên nhẹ mà buông nó ra khỏi lòng, dù đôi lúc có mệt mỏi nghĩ vu vơ Marg hén.

      Xóa
    4. Bác NHP : cám ơn bác đã giải thích cho từ "bói cá" . Chú bói cá trong hình "bấm độn" ra cái hồ cảnh thả cá đó là ấm rồi , hehe...

      Xóa
    5. Chị TTM : Chị ơi nghệ nhưn của mình đã có tác phẩm chim bói cá trước đó rồi , chắc chị xem hình rồi mà chưa để ý đó (-:

      Nhà văn Pháp Marcel Proust đã có tác phẩm nổi tiếng "A la recherche du temps perdu" ( Đi tìm thời gian đã mất ) đó chị .

      Xóa
  3. Chú chim nhỏ mà nhanh như cắt, khó có con cá nào thoát khỏi con mắt tinh anh và cái mỏ nhọn hoắt của nó. Hóa ra tạo hóa cũng công bằng chia đều cho các loài vật trên trái đất những bản năng ưu tú để sinh tồn chị nhỉ

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tạo hóa luôn công bằng phải không TT . Cứ thế mà cuộc sống cứ tiếp nối trong vòng tuần hoàn của trời đất ((-:

      Xóa
  4. Marg lại gợi nhớ về một bài thơ trăn trở của một thời và phổ thành một bài hát đau đáu rất nhiều năm....

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chắc là anh Mây cũng thích bài thơ đó của Du Tử Lê rồi (-:

      Xóa
  5. Như loài chim bói cá
    trên cọc nhọn trăm năm.
    Tôi tìm đời đánh mất
    trong vụng nước cuộc đời
    ......
    Đọc thơ đã hay, nghe Nguyên Khang hát cả bài mới thiệt sự hay

    Trả lờiXóa
  6. Ah , cám ơn bác Bu đã chia sẻ bằng cách đọc thơ Du Tử Lê và nghe Nguyên Khang hát Khúc Thụy du .

    Trả lờiXóa

Dấu chân..

Flag Counter