Thứ Sáu, 25 tháng 4, 2014

Về miền Tây (2)

Rời Chợ Mới An Giang , chúng tôi qua Cần Thơ  nghỉ đêm tại nhà cô giáo Anh văn , để sớm hôm sau kịp tham quan chợ nổi Cần Thơ . Nhà cô giáo ở gần khu vực núi Sập , nơi tiếp giáp giữa An Giang và Cần Thơ .Con đường dẫn vào nhà cô giáo cũng như bất cứ những con đường nông thôn miền Tây . Đường đã bê tông hóa nhưng hẹp, chỉ đủ cho một chiếc ô tô đi qua , sát bên đường là dòng kinh với vài con đò  xuôi ngược . Trước khi đến nhà cô giáo , xe chạy ngang qua một nhà thờ đang  tu sửa . Về đến nhà , sau khi chào bố mẹ , cô giáo vội vã đạp xe ra nhà thờ cho kịp buổi lễ chiều . 

Trò chuyện với bố mẹ cô giáo mới biết, đây là làng của một xóm đạo. Sau 1954 , giáo dân theo cha vào Nam ,được chính quyền Ngô Đình Diệm cho lập làng ở đây . Hồi trước nơi đây là lau sậy, giáo dân đã khai phá , làm rẫy , trồng lúa . Giờ cuộc sống của các gia đình  đã ổn định khá tốt . Bố cô giáo cho biết  điện, nước , đường xá , cây cầu qua lại trong làng , tất cả đều do các cha đạo đứng ra tổ chức , vận động đóng góp rồi thực hiện .  Bố cô giáo còn nói thêm :" Vì là cha tổ chức nên tin tưởng đóng tiền làm , chứ nếu ai khác thì không đóng tiền đâu , vì sợ  tiền đóng vào sẽ bốc hơi mất một nửa "

Tôi bước ra sau nhà nhìn cánh đồng lúa của gia đình trải dài tít tắp . Tiếc là chúng tôi đến lúc cánh đồng vừa gặt lúa xong chỉ còn trơ gốc rạ . Thế nhưng buổi chiều ngồi nhìn ra cánh đồng , hít thở mùi đất , mùi rơm rạ , mọi lo toan của cuộc sống như ở tận đâu đâu ...

Cây cầu do Cha cho xây mở rộng ra , còn nhà thờ bên kia cầu đang tu sửa


Dòng kênh trước đây cũng do Cha tổ chức nạo vét , mở rộng 


Mẹ cô giáo cắt lõi chuối non trộn gỏi gà 


Cánh đồng lúa sau nhà vừa qua mùa thu hoạch 


Con đường làng có chú gà lang thang , xa xa các cháu bé đang thả diều , cảnh thanh bình 


Con đò trên dòng kinh trước nhà 


Nhà của cô giáo 


Chiều nhà quê 


Từ 4g sáng , cả đoàn lại lên xe trực chỉ về Cần Thơ, để từ bến Ninh Kiều xuống đò ra Chợ nổi . Chợ nổi nhóm họp từ 5g đến 6g sáng là nhộn nhịp nhất . Khi qua Thái Lan , tôi chưa có dịp tham quan Chợ nổi bên ấy nhưng xem qua hình ảnh tôi thấy những ghe thuyền chở nông sản của họ biết cách bài trí để hấp dẫn du khách . Còn các ghe hàng ở miền Tây thì thật là mộc mạc như tính cách của người miền Tây vậy . Hàng hóa trái cây cứ chất đống trong các cần xé và bịch nylon . Các ghe hàng cặp theo đò du khách mời mọc nhưng tôi thấy ít ai mua . Cô giáo nói rốt cuộc chỉ có các chủ tour du lịch là hưởng lợi thôi , người nông dân ở đây cũng chẳng mua bán được bao nhiêu. Chủ yếu chỉ là mua bán trao đổi giữa các thương lái . Ngay cả các ghe bán hàng ăn uống , mặc dù anh tài công chở du khách khuyến khích mọi người dùng thử , nhưng cũng không ai hưởng ứng, khi nhìn thấy điều kiện vệ sinh trên ghe có vẻ không bảo đảm .Xem ra làm du lịch mà lọc lừa quá thì đáng ngán , nhưng xuề xòa , chất phác quá cũng không xong .

Bình minh trên sông 


Sông Hậu mênh mông 









Ghe cặp theo đò mời du khách nhưng ít ai mua 






Đò bán món nông sản nào thì sẽ treo món nông sản đó trên cây sào dài 



"Buôn bán không lời , chèo chống mỏi mê"


an ten bí rợ và an ten tivi 











Ghe hàng ăn uống chắc chủ yếu phục vụ cho các lái đò 





Ghe du khách 


Du lịch sông nước của mình chẳng thấy mặc áo phao , khách nước ngoài kể ra cũng gan 





Các cây sào treo các món nông sản trông thật vui mắt 
--> Read more..

Thứ Năm, 17 tháng 4, 2014

Về miền Tây

Cuối tuần rồi , lớp anh văn U 60 tổ chức một chuyến đi về miền Tây . Dĩ nhiên là tôi hăng hái tham gia ngay . Xe đi ngã Sa đéc . Hai bên đường bắt đầu hiện ra những vườn trồng hoa . Đây là nơi cung cấp hoa cho Sài gòn vào dịp Tết . Rồi xe dừng lại ở một ngôi nhà cổ trên đường Nguyễn Huệ, thị xã Sa đéc . Đó chính là nhà của ông Huỳnh Thủy Lê , nhân vật nam chính trong quyển tiểu thuyết "L'amant" (Người tình) của nữ nhà văn Pháp Marguerite Duras . Quyển tiểu thuyết có tính chất hồi ký này đã được giải thưởng lớn Goncourt của Pháp năm 1984 . Sách được dịch ra 40 thứ tiếng và được đạo diễn Annaud quay thành phim cùng tựa "L'amant" năm 1990 .
Ngôi nhà cổ của gia đình ông HT Lê có mặt tiền bằng khối xây, với kiến trúc theo kiểu Tây phương , nhưng bên trong các vách ngăn nhà đều bằng gỗ và chạm trỗ theo kiểu  nhà của người Hoa . Ông Huỳnh Thủy Lê xuất thân từ một gia đình người Hoa giàu có tại Sa Đéc . Khi bà  Marguerite Duras gặp ông , bà chỉ là cô bé 15 tuổi , mẹ bà làm hiệu trưởng trường trung học ở Sa Đéc, gia cảnh khó khăn . Về sau ông Huỳnh Thủy Lê thành hôn với một người vợ Việt , môn đăng hộ đối . Bà Duras khi về già  đã viết quyển tiểu thuyết về mối tình ngày xưa .
Ngôi nhà cổ được công nhận di tích cấp quốc gia , tuy nhiên ngôi nhà nằm ở một phố chợ khá chật hẹp , chung quanh khuôn viên nhà đã bị nạn xây chen, khiến mảnh sân trước nhà còn bé tẹo .


Mặt tiền nhà cổ 









 Bàn thờ Quan Công ở giữa phòng khách 






Gạch bông lát nền nhập từ bên Pháp , vẫn còn dấu marque ở mặt sau tấm gạch 


máy hát đĩa 



Ông Huỳnh Thủy Lê và vợ lúc còn trẻ 



Nhân vật vào vai bà Marguerite trong phim "Người tình" 



Ảnh gia đình của bà Marguerite Duras khi còn bé 



hai nhân vật chính trong phim "Người tình" 



Cửa lùa gỗ để lấy thông thoáng , kiểu cửa đặc trưng của các  nhà người Hoa 



bộ ván gỗ cẩn xà cừ 



Hoa văn trên bộ ván là những con dơi , đối với người Hoa có ý nghĩa đem lại phúc lành 


Vách ngăn phòng ngủ 


tủ gỗ xưa 

Rời Sa đéc , xe chạy về Chợ mới An Giang . Cũng đã hơn 40 năm, hôm nay tôi mới có dịp quay  lại đây . Tôi mang tâm trạng của đứa bé hơn mười  tuổi , náo nức chờ đợi chiếc xe chạy  rầm rập qua chiếc cầu gỗ bắc ngang dòng kinh nước đục lừ . Ngày xưa , đó là tiếng reo vui báo hiệu một mùa hè đầy thú vị đang bắt đầu . Thế nhưng không có tiếng rầm rập nào , chiếc cầu gỗ đã không còn , dòng kinh đã bị lấp ... 
Tôi tìm đến dòng sông của  những mùa hè ấu thơ ... Không phải tôi đã lớn lên , đã già đi,  nên bây giờ tôi thấy dòng sông tuổi thơ trở nên quá nhỏ hẹp . Bốn mươi năm đủ để phù sa bồi đắp thành một bãi bồi ở bến sông ngày nào , nơi mà ngày đó những  sáng , chiều , cô bé tôi ngồi  ngắm màn mưa trắng xóa hay một vạt nắng bàng bạc cùng  những chiếc đò qua lại  trên dòng sông mênh mông . Dãy cồn bên kia sông ngày xưa trồng bắp , bây giờ nhà cửa mọc lên , cây cối um tùm đã làm mất đi cái khoáng đãng của dòng sông ngày xưa . Khu nhà nơi ba tôi làm việc, ngày đó ngăn cách với dinh quận trưởng bằng hàng rào kẽm gai và cây cỏ , bây giờ không còn nữa . Tất cả đã nhập vào khuôn viên huyện ủy hiện nay . Bờ sông ngày xưa cây cỏ xanh mướt bây giờ được xây bờ kè bằng bê tông khô cứng .
Thì cũng phải vậy thôi , thời gian vật đổi sao dời , chỉ có ký ức tuổi thơ là bất biến trong tâm tưởng của mỗi người ,và mãi đẹp , mãi mãi ...





Dòng sông tuổi thơ 



bờ sông hoang sơ xanh mướt ngày xưa giờ được xây bờ kè chạy dọc  theo khuôn viên huyện ủy 




Dòng sông nhìn ngược về phía chợ huyện 




Cồn bên kia sông ngày xưa trồng bắp ,bây giờ nhà  cửa mọc lên 


Huyện ủy Chợ Mới 

Đến nhà một người bạn , quê tại Chợ Mới , tôi được một bữa ăn thỏa thích các món bánh đặc trưng của  miền Tây , bánh bèo thơm phức mùi lá dứa và béo ngậy vị nước dừa .bánh da lợn , bánh bột bán , bánh ít trần ngọt , xôi gói trong bánh phồng ... Ăn gọi là đã đời , khi về còn được gửi cho một bọc lớn bánh ít , bánh bò nước dừa đường thốt nốt . Ôi chủ nhà thật đúng với tính cách người miền Tây .


--> Read more..

Dấu chân..

Flag Counter