Thứ Hai, 26 tháng 11, 2012

Mới ! Tếu !



Cũng như bao kỳ thi,đêm trước buổi thi đầu tiên, tôi nhắc con trai sắp xếp những gì mang theo cho buổi thi ngày mai và đi ngủ sớm. Lần này thấy nó cứ loay hoay, mắt nhướng nhướng sau cặp kính cận : _“ Mẹ có biết đường đi đến chỗ thi qua bao nhiêu cái lô cốt không? “ Tôi ngẩn người. Trước đó chỉ biết mở bản đồ thành phố, tìm con đường thuận tiện nhất đến trường thi thôi. Còn lô cốt thì làm sao biết được. Nó nói : _“ Tại năm nay thi theo “cụm” chứ không thì tụi con được thi ở trường mình học”. Tôi chẳng để ý lắm “cụm” trong thi cử là cái gì, có tác dụng gì?( chỉ biết cụm trong câu “ bứng hoa, bứng cả cụm”thôi.Hihi …)Nhưng hiện tạilàm sao giải quyết cái ” tình tiết mới phát sinh” là làm sao biết đường đi thi qua bao nhiêucái lô cốt. Chị em nó chợt nghĩ ra , lên mạng,vào thử cái dự án Nhiêu Lộc Thị Nghè, thoát nước môi trường gì đó xem. May quá, những đốm tròn xanh xanh , đỏ đỏ tượng trưng cho lô cốt hiện ra trên bản đồ thành phố. Vậy là tìm được con đường tốt nhất đến trường , giống y như đangchơi trò vượt chướng ngại vật . Hay !

Xong được chuyện lô cốt, thúc hối nó đi ngủ, nó lại bảo: _ “còn phải tháo phù hiệu trường ra khỏi áo nữa” . Gì kỳ vậy?Chẳng lẻ qui chế thi mới bắt phải vậy ? _“ Dạ không, cô giáo bảo làm như vậy”.Tôi càng lạ lùng, và thoáng nghi ngờ ý đồ của cô giáo…Đi thi mà tại sao phải giấu gốc gác của mình?_ “ Rút kinh nghiệm của những năm trước đó, đã xảy ra rồi , lúc thi mấy đứa trường khác hỏi bài học sinh Lê Hồng Phong không chỉ, ra ngoàinó thấy học sinh LHP là hè vô đập! “. Trời cái này thì biết rồi, thằng con đã từng bị mấy tên học sinh trường khác cà khịa khơi khơi . Tôi cũngđã dặn nó thôi thì cứ lo né và nhịn là thượng sách…

Thế nhưng hôm sau thi xong về lại nghe con nói : “Tháo phù hiệu cũng như không, hội đồng thi gồm có bốntrường, học sinh trường nào cũng đeo phù hiệu, tự dưng có đám học sinh không phù hiệu đi với nhau, nhìn là biết những thằng không phù hiệu là học sinh LHP “. Tôi cười ngậm ngùi , thôi thì cũng là tấm lòng của cô giáo lo cho học trò…Cô thầy cũng chỉ có thể bảo vệ học trò mình đến mức đó thôi.

Đi theo con cái suốt những chặng đường học hành , thi cử, vui buồn cùng con, tôi thấy mỗi năm đều có những điều mới lạ, không năm nào giống năm nào… Vui thiệt, nói chung là vui. Tếu !
--> Read more..

Để tưởng nhớ cô Phạm Qụy

Tôi học cô môn Văn năm lớp 7. Buổi học đầu tiên, bọn chúng tôi háo hức chờ đợi xen lẫn chút tò mò. Bởi những lời truyền tụng của các chị năm trước cô dạy văn rất hay và…Thú thực , tôi không nhìn thấy đâu là hình ảnh cô nàng Thương Thương “ má đỏ au lên đẹp lạ thường”trong giấc mộng của thi sĩ Hàn Mặc Tử. Trong cái dáng vóc nhỏ nhắn của cô, toát lên sự chững chạc, nghiêm túc của nhà mô phạm.

Bài Tập làm văn đầu tiên cô cho, tôi nhớ đề bài là : Thuật lại một chuyến về quê. Một đề tài tôi ưa thích. Tôi đã viết 6 trang giấy học trò. Kết quả : dưới trung bình. Lời phê : rườm rà, xa đề! Tôi sốc nặng. Cả năm học, bài Tập làm văn cao điểm nhất của tôi, được cô đọc trước lớp cũng chỉ nhận được lời phê vỏn vẹn hai chữ : bài khá! Cô giảngvăn rất hay. Từ cái xóm giếng đầy hoài niệm đến chú chuột bạch nhỏ xíu đánh vòng, chúng tôi say sưa ngắm cô vẽ ra những bức tranh sống động tuyệt đẹp. Thật may mắn cho lớp học sinh Gia Long chúng tôingày ấy có những thầy cô dạy văn tuyệt vời. Cô Nhung giảng Thu điếu của Nguyễn Khuyến, tôi nhìn thấy cả một hồ thu gợn biếc trong đôi mắt cô sóng sánh. Thầy Xương giảng Kiều thật hay nhưng quý nhất là thầy dạy cho chúng tôi phương pháp tư duy, phân tích, tổng hợp…

Không chỉ dạy văn, cô Phạm Qụy còn dạy chúng tôi từ lời nói, dáng đi. Tôi nhớ có một lần tôi bị cô la nặng nề trước lớp, chỉ vì bắt gặp tôi cười vu vơ trong lúc cô giảng bài ( mà bài giảng thì chẳng có gì để cười mới chết chứ ). Ôi trời, chỉ là nụ cười vô cớ của một con bé 13 tuổi, cái tuổi kỳ cục nhất đó mà! Cứ như thế, ngày qua ngày bọn học sinh nữ chúng tôi không chỉ được các thầy cô dạy cho con chữ mà còn được chỉ vẽ đến trang phục, cách cư xử…Đến nỗi sau này, bao nhiêu năm được gặp lại nhau, chúng tôi vẫn nhận ra nhau ở một điểm chung nào đó.

Vài dòng để tưởng nhớ đến Cô và để các con tôi hiểu được ngày xưa ba mẹhọc Văn thế đó. Văn tức là người, học Văn không chỉ để hấp thụ cái đẹp của văn học, văn hóa mà qua đó còn để hình thành một nhân cách tốt đẹp cho chính mình.Và nhân đây tôi cũng xin được gửi lòng tri ân của người học trò đến cácthầy cô đáng kính năm xưa ở mái trường Gia Long yêu dấu của tôi…
--> Read more..

Cơn mưa trưa



Những cơn mưa buổi trưa làm gợi nhớ những ngày còn bé, đi học về , người ướt sủng. Mẹ giục lau khô người, thay nhanh áo quần cho ấm. Thế rồi sà vào mâm cơm nghi ngút khói ... Bữa ăn gia đình quây quần. Ngoài kia mưa cứ rơi. Ấm cúng, ngon lành hơn bao giờ hết .



Những buổi trưa, mưa rạt rào bên ngoài, trở mình, cảm nhận sự ấm áp từ chiếc chăn mẹ vừa đắp nhè nhẹ lên người. Mình biết chắc Mẹ vừa nhẹ nhàng đắp chăn cho Ba, rồi đến mình. Ngủ say một giấc, tỉnh dậy, mưa vẫn còn, Mẹ ngồi bên cạnh đang đọc báo, hay khâu áo ... Và rồi một chén chè nóng hôi hổi Mẹ mang ra đặt trên bàn. Ăn xong , mình sẽ ngồi vào bàn học. Con gái hạnh phúc, hay chính Mẹ hạnh phúc...


Hôm nay cơn mưa trưa. Xuống "bếp" ăn cháo gà với mọi người. Căn "bếp" nhỏ nhưng sao vẫn cảm giác hơi lạnh. Trở lên phòng làm việc. Căn phòng như rộng ra , và lạnh, thật lạnh... Một mình...


Mình không giỏi như Mẹ mình ngày xưa....



--> Read more..

Thầy tôi

Thỉnh thoảng đi dự các hội thảo chuyên ngành, tôi lại được gặp thầy. Các đàn anh tên tuổi khi lên diễn đàn phát biểu, đều mở đầu bằng lời kính thưa thầy …Thầy vẫn không thay đổi nhiều. Vẫn giọng nói ấm, rõ. Nụ cười hiền hòa. Nhưng những năm gần đây, ánh mắt và cử chỉ của thầy đã mang vẻ chậm chạp của tuổi già…
Năm cuối ĐH, khi nhận đồ án tốt nghiệp, tôi vừa mừng, vừa lo khiđược thầy giao đề tài chuyên, KC đặc biệt, do thầy hướng dẫn. Lần đầu mang bài đến cho thầy duyệt sửa, tôi thiếu tự tin : ” Dạ em mang cho thầy xem qua” . Thầy cười khì : ” xem “hoa” gì, tôi xem là xem rất kỹ, khi nào em chắc chắn thì hãy đưa tôi ”. Thầy luôn vậy, nghiêm khắc nhưng ánh mắt và giọng nói thì dịu dàng và ấm áp. Làm đồ án vào lúc trường nghỉ hè, nên đôi lúc bọn tôi phải mang bài qua nhà thầy duyệt. Thầy ở lầu 1 của một chung cư. Mỗi lần cô đi làm về, thầy lại chạy xuống, vác chiếc xe đạp lên cho cô. Cái kiểu thầy chăm sóc cô một cách dịu dàng, chu đáo đã khiến tâm hồn của những cô gái mơ mộng xa xôi về một hạnh phúc ngày mai của mình.
Ngày chủ nhật, trước ngày bảo vệ đồ án tốt nghiệp, thầy đưa tôi đến nhà của vị GS hướng dẫn thứ hai, là một viện trưởng, để ký tên vào bài làm cho đủ thủ tục. Hai thầy trò chạy xe đạp song song, thầy dặn dò tôi về những nội dung cần phải chú ý cho buổi bảo vệ sắp tới. Giọng thầy sang sảng như đang lên lớp, lại toàn từ chuyên môn, làm người đi đường cứ quay lại nhìn hai thầy trò.
Ơn thầy, tôi thấy mình nợ nhiều lắm. Món nợ nghề nghiệp.Những kiến thức thầy đã cho tôi.Bao nhiêu năm qua những gì tôi làm được, chưa làm được, làm sao để đền đáp?!! Và cả món nợ của tình thầy trò…Tôi nghe đâu đó bây giờ SV đi học, cũng cần phải “biết điều”. Là tôi nghe thế thôi. Tôi vẫn tin còn rất nhiều nhà giáo chân chính… Sau khi bảo vệ đồ án, bọn tôi lại đến nhà thăm thầy. Một bịch cam và táo, đó là cả một sự cố gắng màbọn SV thời đó có được để biếu thầy. Khi chúng tôi ra về, đi được một đoạn thì thấy thầy lọc cọcxe đạp chạy tới, thầy kéo cả bọn vào một quán phở. Chưa bao giờ tôi ăn bát phở ngon đến vậy. Thầy gọi một bát nước gầu vàng lựng và chăm chút múc vào bát từng đứa. Bây giờ người ta tránh xa thứ nước béo đó vì sợ mập, sợ cholesterol…Nhưng thời đó bọn chúng tôi lên bảo vệ tốt nghiệp với những bộ dạng ốm tong, xanh mướt, kết quả của những đêm đói meo, thức trắng. Thầy xót xa bảo chúng tôi ăn đi để bồi bổ…
Trong cuộc đời đi học tôi thật may mắn có được những thầy cô đáng kính. Đương nhiên cuộc sống không thể nào hoàn mỹ cả nhưng dầu trong hoàn cảnh nào, tôi cũng muốn con tôi tìm được một góc nhìn đẹp hơn về cuộc sống, để tâm hồn có một điểm tựa mà hướng thiện và vì thế tôi đã viết entry này để riêng tặng các con tôi,

--> Read more..

Lưu đày ....



Cuối tuần. Làm việc buổi sáng .
Buổi chiều lên xe chạy ra nơi có biển.
Chẳng để làm gì...
Chỉ là những phút lang thang trên bãi cát ...


...

Photobucket




Chui sâu vào thân xác lưu đày.


Dã tràng ơi ! Sao lấp cho vơi sầu này
? ... ( PD )
--> Read more..

Heo may

Mấy ngày nghỉ lễ, có các chị ghé qua blog tôi comment rằng cảm thấy cô đơn vì các con mãi đi chơi mà quên mẹ ở nhà. Sắp đến hè, tối qua thằng con tôi nói hè này sẽ không đi nghỉ mát theo cơ quan mẹ nữa, đơn thuần là nó không thích đi theo tour . Năm rồi nó được chị dẫn đi du lịch theo nhóm bạn của chị và nó thích đi như vậy hơn. Tôi ngẫm nghĩ con tôi đã lớn rồi, nó đã có những ý thích của riêng nó.

Lúc con còn nhỏ đến hè là bọn chúng háo hức hỏi cơ quan mẹ năm nay đi nghỉ mát ở đâu, rồi thì cả nhà cùng đi chơi vui vẻ. Còn sau này, có một năm tôi đi lẻ loi một mình. Con thì đứa đi học quân sự, đứa thì vừa đi nghỉ mát với trường lớp về,mệt, không muốn đi nữa. Có người nhìn tôi lủi thủi vào phòng ở KS một mình, tỏ ra ái ngại. Cho dầu tôi đã từng một mình như vậy trong những lần đi công tác xa, nhưng những lúc như thế này đây tôi lại thấy chạnh lòng

Cách đây ít năm, tôi có dịp đi thăm một viện dưỡng lão. Các cụ dù được chăm sóc tử tế, nhưng trên những khuôn mặt hằn sâu những dấu vết cuộc đời kia, tôi đọc thấy những ánh mắt, nụ cười vô hồn. Để các cụ bớt cô đơn trong quãng đời còn lại ,Viện đã sẵn sàng tạo điều kiện cho các cụ ông và cụ bà nào thấy thích hợp thì về sống chung với nhau. Viện dành cho họ một phòng riêng. Tôi đã gặp một nữ luật sư nổi tiếng ở SG. Không biết sao những ngày cuối cuộc đời bà lại ở đây. Bà nói tiếng Pháp như gió. Phong thái vẫn sôi nổi, trí thức. Có điều Viện không dám để hở bà, vì bà lọt ra khỏi cổng là đi mất không biết đường về. Bà đã lẫn. Bà sống chung với một ông cụ. Ông giới thiệu ông đang dạy học và viết báo. Hỏi thăm ông dạy ở đâu. Ông nói một hồi, thì ra tất cả đều thuộc thì quá khứ. Một quá khứ xa lắc đầy lẫn lộn. Nhìn kỹ, đôi mắt ông còn vô hồn hơn cả mắt bà. Thế mà họ sống cùng nhau, nương tựa lẫn nhau…

Thật sự tôi cũng không ngại mình sẽ buồn tẻ khi về già. Tôi vẫn nghĩ đến cái ngày tôi có thật nhiều thời gian để làm những gì mình muốn, đơn giản như đọc một quyển sách chẳng hạn…Còn các con, tôi cũng muốn cho chúng sống trọn vẹn tuổi trẻ của chúng. Ai cũng chỉ có một thời thôi. Đương nhiên là cái thời đó phải đẹp và ý nghĩa. Tôi nhớ có xem một bộ phim, bà hoàng thái hậu ngồi mãi mê nhìn thái tử và thái phi còn rất trẻ vui đùa ngoài sân, quên cả bữa ăn sáng. Ông vua nhắc và thưa bà nhìn gì. Bà mĩm cười trả lời bà đang ngắm mùa xuân…Tôi rất thích câu trả lời của bà.

Con gái tôi luôn rủ tôi sắp xếp để hai mẹ con cùng được đi chơi với nhau, cùng đến những nơi hai mẹ con đều thích. Gì chứ đi chơi thì hai mẹ con rất hợp. Đi với con gái, tôi được tha hồ nhõng nhẽo. Nhưng lỗi tại tôi không cho mình được một ngày nghỉ. Có thể một ngày kia tôi rảnh rang thì con lại bận. Vòng đời cứ thế mà trôi.

Dầu sao tôi vẫn tin rằng nước đi ra biển lại mưa về nguồn…




--> Read more..

Những người bạn ( 3 )


( tiếp theo entry Những người bạn )

Người bạn thứ ba không hiểu sao lại mất liên lạc, nhưng tôi vẫn không quên. Đó là một anh bạn học cùng trường, cùng khoa,cùng khóa. ( Thú thật hồi học ở trường tôi không hề biết anh ). Ra trường, cơ quan anh ở ngay sát cơ quan tôi. Mà cũng kỳ, cơ quan bên đó tự nhiên có một cửa sổ mở nhìn qua sân cơ quan bên này. Ra về, có hôm thấy anh đứng bên đó nhìn qua. Chào, cười,thăm hỏi dăm ba câu…Thỉnh thoảng anh sang phòng làm việc của tôi, trao đổi một số kiến thức chuyên môn. Có lần còn rủ nhau đi thăm thầy dạy cũ bị bệnh…
Một hôm anh hỏi tôi có nhận việc làm thêm không, anh đưa cho làm, vì công việc đó không thuộc chuyên ngành của anh. Tôi gật đầu. Thế là ban ngày đi làm, tối về lại miệt mài,đêm nào cũng thức, cũng tính, cũng vẽ… Lúc đó con gái đầu còn bé, dỗ con ngủ xong là ngồi vào bàn làm việc. Con trở mình ọ ẹ ,lại chạy vào với con. Cứ thế, chạy ra, chạy vào…Công việc hoàn thành,giao xong thì chờ. Đấy là lần đầu tiên tôi nhận một công việc làm thêm bên ngoài cơ quan, qua một trung gian. Kết quả công việc có được chấp nhận hay không. Chi phí được trả thế nào tôi không thể biết trước…
Khá lâu sau, một buổi sáng anh qua tìm tôi. Tôi nhớ anh không nói chuyện trong phòng làm việc mà nói tôi đi ra ngoài sảnh tiếp khách với anh. Ngồi vào ghế, anh nhìn tôi nghiêm nghị sau cặp kính trắng: “Không xong rồi! Người ta không làm nữa. Xù rồi…”. Tôi còn chưa kịp ngẫm nghĩ về những gì mình vừa nghe thì anh bạn đã lôi từ trong cặp ra một gói lớn đẩy về phía tôi. Nụ cười của anh lúc đó sao mà tươi thế…Số tiền thiết kế phí lần đó đủ để gia đình tôi chi tiêu trong cả một năm. Và trong những năm tháng đầy khó khăn đó, số tiền có ý nghĩa biết chừng nào.
Vậy mà hồi đó tôi chưa hề mời anh một ly cà phê, đừng nói gì đến bữa tiệc nhậu như thời buổi này vẫn hay vậy. Đơn giản vì hồi đó tôi chưa hề quen với “tập quán” xã giao đó. Tôi vô cùng lúng túng khi chỉ nói cám ơn suông... Rồi cơ quan tôi dời đi nơi khác. Bẳng đi mỗi người một nơi, một công việc, không còn gặp nhau nữa. Sau này tôi nhận được nhiều công việc làm thêm, nhưng tôi vẫn nhớ hoài công việc đầu tiên anh mang đến cho tôi. Tôi vẫn nhớ anh bạn hiền lành ngày nào…


--> Read more..

Nguy cơ



Có bao giờ bạn sống với cảm giác có một nguy cơ đang lơ lững trên đầu chưa?
Buổi sáng đang làm việc, một thằng em bước vào phòng, chào, mắt ngó ngó lên trần nhà.
_ “ Chị, trưa chị ngủ bên chỗ này, đừng ngủ bên chỗ kia “
_ “ Là sao ? ”
Tôi lườm lườm nhìn hắn, tự dưng hôm nay có kẻ xâm phạm quyền “tự do riêng tư” của tôi một cách kỳ cục.
_ “ Dạ, đám gỗ trần bên kia mối mục dữ lắm rồi . “
_ “ Là sao? “
Đầu tôi như có ai đổ nước sôi. Chả là cách đây mấy tháng cũng báo là phải thay trần. Tôi vốn ngán ngẫm chuyện sửa nhà. ( làm cho người khác thì được, nhưng cho mình thì ngán ) Một phần vì biết tấm trần của đơn vị sửa chữa này mà thay vào sẽ phá hỏng nội thất của căn phòng có kiến trúc cũ kỷ này. Thế nhưng nghe báo gỗ trần mối mục dữ lắm, và làm vào ngày nghỉ sẽ không ảnh hưởng đến công việc. Thôi thì đành vậy.
Thứ hai sau đó vào, nhìn trần mới không hài lòng lắm nhưng thôi kệ. An tòan vẫn hơn. Một ngày đẹp trời, đang làm việc thì “ Rầm!” Một tấm trần rớt xuống, chỗ đó… nếu vào giờ trưa thì đúng là chỗ tôi gác đầu nằm ngủ… Mọi người nhanh chóng gắn lại tấm trần và tôi cũng không muốn làm lớn chuyện vì tội nghiệp ông công nhân, có thể bị cắt lương, cắt thưởng…

Sau từng ấy chuyện giờ lại báo gỗ trần mục. Là sao ? Lại nghe báo tiếp. Thiệt là không tưởng tượng nỗi. Thay vì tháo toàn bộ tấm trần và gỗ trần cũ ra, các ông công nhân chỉ tháo tấm trần, còn khung gỗ trần mối mục thì vẫn để lại. Dàn trần mới được đóng bên dưới che cái nguy cơ chực chờ bên trong. Chả là thi công vào ngày nghỉ, cán bộ kỹ thuật không ghé qua kiểm tra, công nhân cứ thế mà tự biên, tự diễn bằng cái đầu hời hợt của mình. Hôm nay lên chống thấm sênô mới phát hiện ra.

Chuyện tắc trách thì gặp khắp nơi nhưng có những việc ảnh hưởng đến an nguy của người khác nhưng không hiểu sao người ta cứ, nói theo bây giờ hay nói là…vô tư. Lúc này đi ngoài đường ngang qua mấy công trường thi công, nhìn mấy cái cần cẩu treo lơ lững tôi thấy ngán ngán. Hơi buồn cười cho mình, làm như chưa từng ra công trường vậy. Nhưng mà càng thấy, càng sợ thât sự. Với cái kiểu làm hời hợt thậm chí tắc trách bây giờ, cái gì cũng có thể xảy ra. Công nhân thì như cảm tử quân, nguy hiểm bản thân còn chẳng để ý. Cán bộ thì còn lắm vấn đề khác để quan tâm…

Nhớ ngày xưa vị thầy dạy môn Máy thi công, cho đề bài kiểm tra bắt vẽ nguyên chiếc xe cần cẩu. Thấy thật giáo điều rồi. Đến khi phát bài ra, nhiều người thấy bài mình vẽ thật đúng, thật đẹp nhưng chỉ có 2 điểm. Hóa ra còn thiếu một nét gạch ngang đậm dưới xe, thể hiện xe đang nằm trên mặt đất. Thầy bảo : “ Xe cần cẩu thì không thể bay được” . Lúc đó lắc đầu, nghĩ thầy lớn tuổi nên lẩm cẩm, khó chịu. Trời , bây giờ nghĩ lại thấy thầy đúng quá. Đúng rồi, có những thứ không thể bay được, sẽ vô cùng nguy hiểm…Thế mà bây giờ chỉ vì sự tắc trách, hời hợt của mọi người mà chúng trở thành những vật thể bay, lơ lửng trên đầu người khác. Và bao tai họa đã xảy ra…

Phải đến vài chục năm sau, học trò mới thấm thía lời dạy của thầy. Có muộn quá không?

--> Read more..

Đọc báo



Sáng sớm nay trong lúc tiện tay dẹp mấy tờ báo từ bàn làm việc qua kệ tủ, tôi chợt nhớ ra lâu lâu rồi mình bỏ mất thói quen lướt… báo buổi sáng. Ngồi vào bàn là mở laptop, vào net, lướt qua các trang báo online, rồi chuyển qua mạng nội bộ cơ quan và bắt đầu một ngày làm việc. Mấy tờ báo vẫn lặng lẽ trên bàn. Khi thấy vướng thì xin mời qua hộc tủ nghỉ ngơi.

Tôi nhớ những năm 80, sáng nào cũng phải tập trung nghe đọc báo 10 phút trước khi làm việc. Tôi, tuy không phải giọng… oanh vàng cho lắm, nhưng vẫn được chọn đọc báo. Hay nhất là tôi được toàn quyền chọn bài để đọc. Tôi lướt nhanh những tin thời sự quan trọng, sau đónhảy qua những mẫu chuyện hay, lạ thế giới. Đôi khi cũng lấy được những trận cười sảng khoái của mọi người trước khi làm việc.

Sang những năm 90, mỗi sáng đưa con đến trường sớm, tôi chạy vào cơ quan, ghé phòng bảo vệ lấy mấy tờ báo, rồi vào phòng, vừa đọc báo vừa gặm bánh mì. Cũng là một cái thú đầu ngày, vì nếu không có báo, tôi cũng chưa biết làm gì trong khoảng thời gian 30 phút nữa mới tới giờ làm việc.

Ngày xưa (cũng lại là ngày xưa), tôi nhớ nhiều khi muốn đọc báo ghê lắm cũng phải chờcho ba mẹ đọc xong mới được đọc. Tôi nhớ Mẹ không cho chị emtôi đọc những trang tiểu thuyết trên báo. Chỉ liếc mắt thôi cũng có cảm giác tội lỗi lắm... Nhà đặt báo tháng, mỗi ngày có người mang tới. Lại còn có chuyện nhà tôi và nhà bên cạnh đổi báo cho nhau đọc, khoảng trưa nhà này ới qua nhà kia đổi báo và chiều thì trả trở lại. Hồi đó báo không phải mua mà là thuê hay sao đó, hôm sau phải trả báo cũ cho người bán báo. Cho nên có bài nào thích, Mẹ tôi hay chép lại. Tôi vẫn còn nhớ như in mấy câu thơ,Mẹ tôi bận nên nhờ tôi chép. Đó là bài thơ nói về mục sư Martin Luther King khi ông bị ám sát:
“ Tôi ở bên này Thái Bình Dương
Nghe tin anh gục ngã
Cho tự do, bình đẵng con người…”

Trong album gia đình có một tấm hình chụp tôi bé xiu xiu ngồi trên đi văng nhìn chăm chú vào một tờ báo trãi rộng trước mặt, lớn bằng gấp đôi tôi. Ở dưới tấm hình , ba tôi ghi hai câu thơ :
“ Đọc cho biết lễ, biết nghi .
Lớn lên con đến kinh kỳ nêu danh “
Hóa ra tôi cũng có một thâm niên đọc báo kỳ cựu… Chẳng lẽ bây giờ nó đang… mai một ?! Riêng Mẹ tôi thì vẫn là một độc giả trung thành của báo từ bao năm nay . Hôm nọ về thăm, thấy Mẹ ngồi trên võng, rà rà kính lúp trên mặt báo thấy thương lắm . 91 tuổi , Mẹ vẫn đọc báo Tuổi trẻ như hồi nào giờ thường đọc.

Có lẽ vì thế mà báo tờ vẫn không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày.


--> Read more..

Lộng gió

Cũng hơn mười mấy năm rồi, tôi vẫn còn nhớ những cảm xúc tinh khôi khi đứng trên sân thượng lộng gió trong sớm mai hôm ấy. Cao ốc 10 tầng nhưng thang máy đã hư, không còn sử dụng . Loanh quanh qua các tầng lầu, trong các hành langvàbuồng thang bộ kín bưng, khi bước ra sân thượng, ánh sáng vỡ òa. Như có lực hút, tôi và cậu em sinh viên thực tập bước nhanh đến lan can. Hai chị em xuýt xoa nhìn cảnh vật trước mắt. Dòng kênh Bến Nghé lặng lờ đổ rasông Sài gòn mênh mông… Những tianắng sớm lấp lánh trên mặt nước chưa đủ sức xua tan màn sương mờ phủ trênsông. Bên này bờ, cây cỏ và con đường uốn lượn, đắm mình trongánh sáng tinh khiết đầu ngày. Tít tắp bên bờ xa, cảnh vậtmờ mờ ngái ngủ. Tôi và em dõi mắt theo dòng sông yên ả, mênh mang trải dài tận một khúc quanh xa tít…Tôi quên mất mình phải hướng dẫn cho em khảo sát tòa nhà. Em lại miên man tâm sự với tôi về quê nhà của em,những ưu tư về tương lai sắp tới của mình…Em bước ra đời, làm việc rồi mới đi học nên già hơn các bạn và cũng nhiều trăn trở. Cứ như thế, hai chị emtrao đổi nhaucông việc chuyên môn , xã hội…Sáng đó, đọng lại trong tôi là hình ảnh một con rạch chảy ra một dòng sông lớn,rồi dòng sông lớn uốn mình tìm ra biển cả …
Sáng nay tôi lạitrở về tòa nhà ấy, Và đứng trên sân thượng đó… Bây giờ ở TP này, tòa nhà chẳng là gì so với các cao ốc mới xây 20, 30 tầng. Nhưng tôi vẫn ra chỗ sân thượng và đứng đúng ở chỗ ngày trước. Bày ra trước mắt là một công trường ngổn ngang. Con rạch ngày trước, nơi đổ mình ra dòng sông, nước xanh mát, đã bị lấp đi. Mặt đất đắp xám ngoét, cày xước chằng chịt bởi các xe, máy thi công…Cây cầu Mống ngày xưa với vòm thép uốn cong đen tuyền, soi bóng xuống dòng nước xanhtuyệt đẹp, giờ nằm trơ trẽn trên mặt đất, lan can không còn , vòm thép sơn xanh lè dị hợm. Tôi nhớ ngày xưa Ba tôi có chụp một tấm hình,Mẹ tôi mặc áo dài nắm tay tôi, bé xíu trong chiếc áo đầm có cái nơ to tướng. Hai mẹ con đứng xoay lưng nhìn ra chiếc cầu Mống cong cong vắt qua dòng sông. Hai bên bờ cây cỏ tươi đẹp.
Giờ trước mắt tôi là một miệng hầm rộng lớn, nơi mai mốt sẽ nối qua Thủ Thiêm…Các em đi cùng đang huyên thuyên về các phương án xây dựng đường hầm. Tôi vừa vuốt những sơi tóc tung bay, vừa nghe, vừa nghĩ ngợi. Sân thượng vẫn lộng gió như ngày nào. Công việc của tôi hay đặt tôi vào tình huống “hoa” lạc giữa rừng “gươm”. Và vì là “hoa” nên cũng đặc biệt hơn. Trong khi mọi người bàn tán về các biện pháp thi công của công trường, thì có một khoảnh khắc nào đó tôi lại nghĩ đến… một dòng sông và một cây cầu đã mất…
Cuối cùng tôi nhìn các em và mĩm cười. Ừ, tất cả các dòng sông đều chảy… Và dòng sông rồi cũng sẽ hòa mình vào biển cả. Hy vọng là thế…
--> Read more..

Gáo Giồng


Dịp nghỉ lễ vừa qua, cả nhà tôi được một dịp hiếm hoi cùng về quê nhà Cao Lãnh. Lần này lại được đi đến khu sinh thái Gáo Giồng. Đó là một trong những địa danh nghe thật mộc mạc, chơn chất ở Đồng Tháp như Xẻo Quýt, Tràm Chim, Tam Nông…
Chiếc xuồng ba lá đưa mọi người đi trên con rạch nước đục lờ lờ, len lỏi giữa rừng tràm tán cây dày cao vút. Nước mấp mé thànhghe, có cảm giác chỉ một cử động mạnh là nước sẽ tràn vào, nhưng cô gái chèo ghe đãluôn trấn an bằng giọng miền Tây thật thà. Cái giọng làm mình yên tâm bước xuống chiếc ghe tròng trành, mà khôngđể ý lắm chiếc ghe mỏng manh lại nằm cả trong tay của một cô gái cũng mỏng manh không kém. Hai bên bờ chuồn chuồn ớt to bằng ngón tay út bay xẹt tán loạn khimái chèo khua nước tới gần. Mấychị cồng cộc ( hay bìm bịp? ) đang đứng ngơ ngác cũng đập cánh bay vùn vụt trong tiếng reo khoái chí của bọn trẻ thành phố.
Tổ cò dày đặc trên các ngọn cây tràm nhưng “chủ nhân” cò thì đâu vắng cả. Nghe nói ban ngày cò đi vắng, chiều mới trở về. Xuồng dừng lại ở một ngã ba rạch, không thể đi tiếp nữa vì xác lục bình chết bịt kín khúc rạch. Xuồng vừa dừng, có tiếng vỗ cánh, rồi vun vútnhững cánh cò trắng bay lấp loáng dưới nắng. Tiếc là máy chụp hình chưa có đủ độ télé để chụpnhững cánh cò. Bạn PNH mà đi đếnnhững nơi này chắc sẽ chụp hình mê mẫn thôi. Leo lên bờ, định điđến gần chỗ cò đậu để thử chụp hình, nhưng mới được vài bước thấy xác cò nằm rãi rác, chợt sờ sợ “ cúm gia cầm ” , cộng thêm nữa là những miếng da rắn trong như miếng nylon do rắn lột bỏ lại, eo ui, quay trở ra thôi. Vả lại cò nhạy lắm,nhác có tiếng người là chúng bay mất.
Du lịch sinh thái, nhưng để diệt lục bình sinh sôi lấp kín khúc rạch, người ta lại chọn cách rải thuốc , và chính việc nàylà thủ phạm của những xác cò rơi chết trong rừng tràm.Ghé vào quán ở khu sinh thái để ăn trưa.Bọn trẻăn ngon lành các món “đặc sản” do anh bạn “thổ địa” chọn :rắn xào lăn với hạt sen, cò nướng mọi …Ăn xong, bọn nhỏ mới ngẫm nghĩ : “Khu sinh thái cò mà bắt cò ăn thịt, kỳ quá !!!”. Tôi thì thích nhất món cơm nấu bằng gạo huyết ròng ( một loại gạo đỏ ăn ngọt cơm và còn nhiều chất bổ do không bị chà sấy nhiều ) ăn với khô cá lóc trộn gỏilá sầu đâu . Ngày xưa ba tôi thích món này, lúc nhỏ tôi không ăn được vì vị đắng của lá sầu đâu, nhưng bây giờ tôi ăn thấy ngon vô cùng, vừa ăn vừa nhớ ba tôi.
Ngày lễ nên khách du lịch đến khakhá nhưng không thấy người nước ngoài. Kêu bia thì bảo chờ, nước đá đã hết đang trên đườngchở tới.Trời nắng, con gái tôi mê chiếc nón lá. Ở quầy bán hàng lưu niệm có đểchiếc nón lá ( chắc của mộtcô gái chèo xuồng ), hỏi có bán không, thì nghe trả lời nhỏ nhẹ “ Dạ, nón lákhông có bán”. Con gái cứ xuýt xoa dáng áo bà ba của các cô gái chèo xuồng và cái giọng đặc biệt chơn chất của các cô. Hỏi có khăn lạnh không ? “ Dạ,lạnh hung rồi”.Con tôi không hiểu “lạnh hung” là thế nào nhưng cứ khen cô nói nghe hiền, dễ thương …
Có một chuyện buồn cười là cái màn đờn ca tài tử lại trở thành màn “tra tấn”, vì buổi trưa nắng, tiếng đờn, tiếng hát không chuyênvọng trên loa nghe thật… nóng sốt. Có lẻ nghe nhạc tài tử phải ở một không gian khác, trong một góc vườn, ởmột khúc sông… không loa, ampli gì cả …thì mới có thể cảm nhận được…
Tiếc là con đườngđi đến khu sinh thái có nhiều cảnh đẹp đặc trưng của miền sông nước Tây Nam bộ, nhưng vì đường quá hẹp chỉ đủ cho một chiếc xe ô tô chạy qua , nên đã không thể dừng lại để chụp hình. Bọn nhỏ mê cảnh một bên là đồng lúa, một bên là con rạch có chiếc xuồng máy bình bịch rẻ nước dạt vào chiếc cầu gỗ bắc sơ sài bên bờ đất.
Còn một chuyện nữa,phải kể ra để động viên bạn Nguyenthuthuy ở Ha nội khi đi công tác ở Cần Thơ đã thất kinh khi biết mình ăn phải thịt chuột. Thật ra thịt chuột đồng miền Tây ăn rất ngon. Buổi chiều trong bữa cơm ở nhà người thân tôi đã ăn ngon lành với món xoài băm dầm nước mắm ớt, yên tâm vì biết chắc là chuột đồng ( chuột đồng ăn lúa màu sắc lông hoe hoe vàng ).
Tiễn về thành phố, người thân còn nhắn nhủ khi nào đến mùa nước nổi thì nhớ về lại nữa. Sẽ đi vào khu Tràm chim Tam nông. Tôi gật gật chưa hứa hẹn được gì…





Photobucket
Đường vào khu sinh thái đã được béton hóa nhưng hẹp chỉ đủ cho một chiếc xe hơi chạyqua


Photobucket
" Cô chú đừng lo, xuồng ba lá này coi vậy mà hổng lật đâu "


Photobucket

Chiếc xuồng ba lá len lỏi trên con rạch nhỏ chạy giữa khu rừng tràm


Photobucket
May quá còn chụp kịp chú chim vỗ cánh vụt bay


Photobucket Nắng trong rừng tràm


Photobucket Con gái tôi rất mê dáng áo bà ba của cô gái chèo ghe


Photobucket Con thuyền không bến


Photobucket Thuyền chờ ai giữa rừng tràm ?


Photobucket Duyên dáng miền sông nước


Photobucket Ruộng lúa xanh rì dợn sóng theo từng đợt gió lướt qua


Photobucket chiếc xuồng máy bình bịch chạy qua để lại vệt sóng đánh dạt vào chiếc cầu gỗ dập dềnh bên bờ đất


Photobucket Còn chiếc xuồng này thì đã có bến...


Photobucket

Vắng!
--> Read more..

Hương đêm


Tan tiệc cưới _ lại ăn cưới! _ ngồi sau xe của cô bạn trẻ chở về, nàng chợt quay lại bảo : “Em chở chị đi một vòng ngắm đường phố. Lâu quá , chưa chở chị đi chơi”. Thế là đi. Các con đường khu trung tâm Nguyễn Huệ, Đồng Khởi, Lê Lợi đang kéo đèn chuẩn bị cho lễ hội Tết sắp tới. Chợt nhớ những ngày Tết xa xưa. Cái hồn của chợ hoa Nguyễn Huệ ngày xưa không gì có thể thay thế được. Hoa rực rỡ trùng trùng .Lọt giữa rừng hoa, tôi hít thở cái hương vị của đất, của nước ở những nơi hoa được vun trồng, chăm bón. Người bán chân chất giới thiệu hoa bằng những lời dung dị, mộc mạc. Tôi có cảm giác không chỉ mang hoa, họ còn mang cả hồn quê lên thành phố. Người mua nói, cười, ngắm nghía, lựa chọn, thưởng thức cái không khí đặc biệt mỗi năm chỉ có một lần. Hồn hoa, hồn người hòa quyện…
Đường hoa. Lễ hội. Tái hiện lại một nét văn hóa xa xưa… Thì cũng hay. Để cho các con tôi còn có dịp nhìn ngắm, hiểu biết thêm về truyền thống ở một góc độ nào đó. Thế nhưng một điều chắc chắn tôi nhận ra, chúng không hít thở được cái hồn văn hóa, như ngày xưa tôi đã từng, ở một góc chợ hoa ngày cận Tết.
Trăng mười sáu thật tròn. Ngày trước những lần ngồi sau cho cô bé chở,mái tóc dài của cô vương nhẹ trên má tôi, phảng phất mùi hương dịu nhẹ. Còn bây giờ, thỉnh thoảng hai cái nón bảo hiểm đánh cốp vào nhau. Tưởng đâu mặc đầm đội nón bảo hiểm trông dị lắm, nhưng rồi nhìn cũng quen.
Vâng tất cả rồi cũng quen. Nhưng sao vẫn nhớ. Điều gì rất xa. Ngày xưa ấy. Xin giữ lại cho tôi chút hương đêm…

--> Read more..

Cây nhà lá vườn



Trái cây rất có lợi cho sắc đẹp phụ nữ. Báo chí đăng bài nói hoài chuyện này. Không hy vọng gì có thể đẹp hơn, nhưng lúc này trời nóng, lười ăn , có chút trái cây… cầm hơi cũng đỡ. Con gái còn dặn dò mẹ chỉ nên mua trái cây trồng ở nước mình. Còn trái cây nhập nước ngoài, sợ các chất hóa học bảo quảnlắm. Đồng ý ngay thôi. Trái cây trong nước chuối, xoài , mận… vừa ngon, vừa rẻ …

Nhưng có một loại trái cây mà tôi mê nhất. Đó là cây nhà lá vườn. Tưởng tượng đang làm việc có người mở cửa mang vào phòng một dĩa mít vàng lườm, thơm phức: “ Chị, cái này là của cây mít dưới sân công tymình! “.Ôitrời, nhón một miếng cho vào miệng, ngọt lịm. Ở ngay thành phố mà ăn được mít hái trên cây, ngọt ngay như thế này không thích sao được . Có hôm mít chín nhiều quá , tôi còn được chở một trái mít nằm vắt vẽo trên xe về nhà nữa. Ban đầu còn thấy kỳ,nhưng nhìn nàng mít còn cả cuống nằm phơi phới, tôi không thể nào từ chối mang về, để khoe với đám con,mít này là mít trồng, không phải mít mua.


Có hôm lại bưng lên một dĩa chuối, trái to. Tôi ngạc nhiên, hơi lạ. Mít thì biết rồi. Đến mấy cây lận . Còn chuối thì tôi có thấy cây nào đâu. Thế là theo lời chỉ dẫn , bữa sau tôi tìm thấy cây chuối nằm khuất ởmột góc sân… Sáng này còn hấp dẫn hơn nữa. Một bọc nylon được mở ra, trong có ba trái xoài mập ú. Trời, tôi đã từng xách máy chụp hình lùng sục cây cỏ trong sân mà có thấy cây xoài ở đâu đâu . Đúng là dân thành phố, cây nào cũng là cây. Cũng lá xanh, thân sù sì… Chưa biết có ngọt như xoài cát Hòa Lộc không , nhưng thích quá, lấy ĐTDĐ bấm ít tấm hình…


Người ở thành phố lâu ngày , nhìn thấy cây xum xuê , lủng lẳng trái thường là thích lắm, nếu được với tay hái càng không thể bỏ qua . Hồi bà chị mua nhà ở quận Tân Phúđất rộng, có cây trứng cá thôi mà hái mê mẩn, nhiều khi chẳng ăn , chỉ để ngắm. Người lớn hái xong đưa cho trẻ convà hình như chỉ để nhìn thấy nụ cười của chúng, để tìm lại một cảm giác thật trẻ thơ…


Mới vừa rồi trong một chuyến đi Long Thành, một nhóm chưa già nhưng cũng không còn trẻ nữa, loanh quanh hái những quả mận chia nhau, chỉ để nhấm nháp vị chát thôi cũng thấy thú vị lắm. Chắc hôm nàosẽ phải tìm đến nơi nào có cây, có trái để được ngồi tựa gốc cây, nhìn lên tàn lá xanh xòe rộng, lục lọi xem có trái nào không, dù chỉ là để nhấm nháp vị chát thôi và chỉ để thấy đời… trôi đi thật nhẹ

--> Read more..

Article du 14 août 2008




.......................




Rồi một chiều nào đó


Anh về,


Nhìn Mẹ yêu


Nhìn thật lâu


Rồi nói, nói với Mẹ rằng


Mẹ ơi, Mẹ ơi


Mẹ có biết hay không


Biết gì,


Biết là, biết là


Con thương Mẹ không




........................
--> Read more..

Mẹ tôi

Năm nào cũng vậy, ngày mồng 2 Tếtlà ngày của đại gia đình. Sau bữa ăn trưa vui vầy, 5 chị em gái quây quần bên Mẹ. Đứa con gái út là mình độc chiếm vị trí đặc biệt, nằm kề sát bên Mẹ. Cảm giác thựcsự của đứa bé thơ. Thèm rúc vào lòng Mẹ, hít hít mùi hương quen thuộc ngày nào. Thế nhưng, hình như nếp dạy dỗ ngày xưa của Mẹ đã khiến những đứa con gái luôn che dấu cảm xúc thật của mình. Rất muốn, nhưng luôn tự ngăn lại, không biểu lộ tình cảm vồ vập trước một ai đó. Trẻ đã vậy, già lại càng không. Vả lại cháu dâu, cháu rễđi quađi lại, chẳng lẽ để chúng thấy dì út nhõng nhẽo…
89 tuổi, Mẹ còn khỏe nhưng đã quên khá nhiều.Và đã từ mấy năm nay,trí nhớ Mẹ như dừng lại ở tuổi 83. Ai hỏi tuổi, Mẹ nói 83 tuổi. Mấy chị nhắc tuổi thật của Mẹ, Mẹ bảo không đúng. Mình cũng tin Mẹ và cho rằng không đúng. Mẹ chỉ mới 83 tuổi thôi, không 88, 89 gì hết…
Năm nay Mẹ vui vì sắp có đứa cháu cố đầu tiên, cô cháu ngoại útchưa tốt nghiệp nhưng đã đi làm thêm, Tết này khi mừng tuổi đã biếu Ngoại một bao lì xì đỏ như những anh chị khác. Hỏi Mẹ có thấy khỏe, thích đi đâu chơi không con đưa đi. Mẹ bảo đọc báo thấy cầu Thủ Thiêm mới khánh thành, Mẹ muốn qua đó để nhìn lại nơi Ba Mẹ đã ở những ngày mới lên đất SGsinh sống. Đã 60 năm rồi, bao nhiêu thay đổi, người chị lớn khi ấy cũng quá bé không còn lưu lại chút gì trong ký ức. Không biết có còn tìm ra được nơi ngày xưa ấy không nữa.
Ôi Mẹ, ngày Tết chung quanh con cháu quây quần Mẹ vẫn nhớ về những ngày xưa đó... Con tin rằng trong khói hương trầm Ba đang mĩm cười , cũng như Mẹ luônvẫn hằng tin như vậy phải không Mẹ.
--> Read more..

Ra chợ


Hồi đó khi học môn học liên quan đến kinh doanh, thầy ra đề tài đại khái là so sánh giữa Siêu thị và Chợ truyền thống. Tôi nhớ lúc đó phải vận dụng đủ các kiến thức đã học, nào là phân khúc thị trường, chiến lược kinh doanh, marketing, tâm lý tiêu dùng … Cuối cùng có một bảng so sánh dài, đủ các lý do tại sao người tiêu dùng chọn siêu thị hay chợ …
Đối với tôi - một nội trợ bình thường- đơn giản lắm, có khi tôi đi siêu thị, có khi tôi đi chợ… Thường cuối tuần, tôi và các con vào siêu thị, ai thích gì thì lựa nấy ( thật ra cũng qua khâu duyệt ngầm của bà chủ nhà, người giữ hầu bao). Ở đó mát mẻ, tha hồ đi tới đi lui nhìn ngó, nhiều tiền mua nhiều ,ít tiền mua ít, hết tiền hết mua… Có gia đình chồng đẩy xe cho vợ lựa hàng thấy đầm ấm lắm. Hồi con trai tôi còn nhỏ, nó có tật thích món đồ chơi gì thì không bao giờ lên tiếng xin, cứ thấy mặt nó tự nhiên… buồn da diết là biết rồi. Còn như buồn lâu quá không thấy ai để ý tới, anh chàng sẽ ngồi phệt trước kệ hàng, không thèm đi nữa. May là siêu thị sạch sẽ chứ ra chợ thì không biết anh chàng có ngồi bệt thế không. Mua hàng ở ST được tiện lợi là mua gom một lúc những gì cần thiết sẽ tiết kiệm đươc thời gian. Mua quen sẽ biết nên chọn những món nào thì phải chăng về giá cả và chất lượng.
Nhưng không vì siêu thị có những tiện lợi thế mà tôi không đi chợ. Thường mỗi cuối tuần tôi mới ra chợ, lại được nghe những câu hỏi thăm mộc mạc của các chị bán hàng quen : “ Sao chị đi chợ trễ vậy ? “ hay “A! Hôm nay cô giáo nghỉ dạy, bữa nay có cá…ngon lắm! “ . Không hiểu sao tôi cứ bị tưởng nhầm là cô giáo mặc dù tôi đã nhiều lần đính chính. Có chị còn thân tình gọi bằng... bồ. Được làm “bồ” chị bán rau cũng hay chứ sao!
Buổi chiều đi làm về, tôi hay ghé lại một chiếc xe đẩy bán rau cải…Một hôm tôi mua 1000 đồng ngò, trả tiền xong, tôi nghe chị bán hàng la lên mà như một tiếng thở dài : “Trời, ngò mà vò như vậy thì còn gì ăn nữa hả “ông” ? ". Tôi giật mình, thì ra tôi đã đem cái chuyện nhức đầu, bực bội ở chỗ làm việc theo suốt đường về và trút cả lên mớ ngò tội nghiệp…Có hôm ghé chị lúc đã tối hù , sau khi qua lọt những đám kẹt xe dày đặc. Chị nhắc tôi :“ Sao máy xe thấy nóng dzậy , chắc phải dzìalo thay nhớt đi “ . Tôi nhìn chị thán phục, chị nhắc tôi mới nhớ lâu lắm rồi tôi không thay nhớt xe và tôi cũng không biết tại sao lúc này xe mình chạy mau nóng quá. Hôm qua Tết, chiều về,tôi lại ghé chỗ chị. Một người khác bán mà không phải là chị . Tôi hỏi thăm, thì ra chồng chị mất ngay trong Tết, bây giờ không ai giúp chị đẩy xe đi bánnữa. Tôi ngẩn ngơ buồn, và luôn có ý định phải hỏi thăm nhà để đến thăm chịmột hôm nào đó.
Và đó chính là những lý do tại sao tôi vẫn ghé qua chợ …
--> Read more..

Lời chúc tháng 12


Như một thông lệ, ngày đầu tháng 12 lại nhận được lời chúc. Tháng của Chúa giáng sinh, tháng cuối cùng của một năm… Một vài buổi sớm se lạnh, rồi nắng…Nắng vàng ươm. Cái nắng , cái gió, đất trời cuối năm sao mà lạ. Như mối giao hòa, như một kết thúc, như một khởi đầu…

Tháng 12, có cảm giác mọi thứ chung quanh đều hối hả. Sao thế nhỉ? Để kết thúc một năm quá nhiều bộn bề và xôn xao hy vọng năm mới tươi đẹp hơn chăng? Ai cũng có quyền hy vọng, từ chú bé thơ đến cụ già. Người ta không thể chỉ sống bằng hy vọng nhưng thiếu nó người ta sẽ không còn điểm tựa trong cuộc sống mà hoa hồng trở nên vô cùng quý hiếm.

Cuối năm. Công việc. Những nếp nhăn như sâu thêm. Nụ cười như méo mó… Cô con gái vừa lĩnh lương làm part-time, mua cho mẹ chiếc áo có thêu nhành sen xinh xắn (con thấy tâm mẹ quá động nên chọn nhánh sen để mẹ tịnh tâm bớt chăng!). Và còn hứa hẹn sẽ đãi mẹ và người bạn đồng nghiệp lãng đãng của mẹ một chầu café nữa…

Vừa đủ để có nụ cười mĩm cuối năm.
Và cũng xin cám ơn lời chúc tháng 12…




( P/S:Con gái ạ, phải giữ sức cho đồ án tốt nghiệp năm sau. Nhớ mục tiêu ban đầu đi làm thêm chỉ là để học thêm kinh nghiệm thôi đó nghe )


--> Read more..

Một sáng trời mưa


Sáng sớm , trời chuyển mưa. Đi làm dưới bầu trời cao nguyên, cảm giác thích thú. Trời xám, gió lành lạnh. Sàigon lâu lâu mới có một buổi sáng trời hay như vậy. Đến một ngã tư, giấc mơ cao nguyên bay đi mất. Xe kẹt, chật chội, tiếng máy xe ầm ì.
Nửa đường mây đen chập chùng kéo tới, mưa trĩu hạt. Sáng nay không đến chỗ làm mà là…đi học. Đến trường ướt sũng. Lạnh . Ngồi trong lớp nhớ bàn làm việc, bên khung cửa sổ. Thèm nhìn những sợi khói ấm nồng của tách café. Thèm được một mình ngắm mưa. Để nghĩ ngợi, để nhớ …
Nhìn mưa ngoài khung cửa lớp, nhớ những ngày ở GL. Cũng những buổi học trời mưa sáng. Ngồi trong lớp ngắm màn mưa bay nghiêng nghiêng trên tháp chuông Xá Lợi, ngắm vẻ đẹp mênh mang của “ mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ ”. Nhớ, nhớ…hơn lúc nào hết.
Trưa về, mưa lất phất. Cảm giác lành lạnh theo suốt con đường. Vào phòng làm việc. Ngồi vào bàn và cảm nhận một hạnh phúc, hạnh phúc ấm áp trong căn phòngyên lành khi ngoài kia mưa vẫn bay nhè nhẹ…
--> Read more..

Con trai


Sáng 27 Tết được con trai chở đi siêu thị sắm Tết. Đây là lần đầu tiên được con trai chở kể từ khi cậu ta bắt đầu đi xe gắn máy vào đầu năm lớp 11. Ngồi đàng sau xe cho con chở, cảm giác lạ lắm. Nhớ miên man những ngày rước cậu học về năm cấp 1, cậu vòng tay ôm eo mẹ, hát bài hát tiếng Pháp Au clair de la lune(Dưới ánh trăng). Lời bài hát và giọng hát hồn nhiên của con làm mẹ xúc động. Hôm nay ngồi cho con chở đi, mẹ cũng xúc động… Siêu thị ngày Tết đông nhưng mẹ không mệt lắm vì có con đẩy xe , phụ mẹ lấy hàng, tính tiền, khuân vác…
Buổi chiều con trai tự động lau chùi tủ rượu. Mọi người ai cũng cặm cụi với việc của mình, chuẩn bị cho mấy ngày Tết. Chợt xoảng, xoảng…Thôi rồi một cái táchvà một chung rượu đã vỡ . Cái tách Nhật của ông ngoại từ khi 6,7 tuổi mẹ đã rất thích nhìn ảnh cô gái Nhật hiện lên ở đáy tách. Còn chung rượu là do mẹ mua về từ chuyến đi Nhật trong bộ bình rượu chỉ có 2 cái chung. Toàn những thứ mẹ yêu thích cả…Nhớ hồi sinh thời, ông ngoại có tủ đồ kiểu (cả đồ cổ), ông rất quý. Lỡ có ai làm vỡ ông chỉ lắc đầu than:” Thôi nó bán rẻ của tôi rồi!” . Cũng đã từ lâu mẹtậptánh không tiếc những gì mình không lấy lại được nữa. Mất và được, có và khônglà lẽ thường…
Cho nêncứ dọn dẹp những mảnh vỡ đicon trai, để chào đón những ngày Tết đang tới rồi kìa!

--> Read more..

Viết về thiếu nhi... già, nhân 1/6 ...

Photobucket

Có lần, sau khi lãnh lương, con gái về nhà với lỉnh kỉnh các món quà. Nhí nha nhí nhảnh ấn quà vào tay từng người xong, con gái tiếp tục hí ha hí hửng : “ Còn đây là quà của Cuc Cu đáng yêêêêu ! “ . Một bộ đầm hồng bằng bàn tay được lôi ra và thoắt cáibé gấu Teddy xúng xính trong bộ đầm mới, hớn hở trong vòng tay của chị Cuc Cu đáng yêu! Tôi bắt đầu cằn nhằn… Tôi biết bộ đầm bé xíu này giá hơn trăm ngàn. Tại sao không may áo cho Teddy mặc mà lại đi mua đắtthế. Con gái nói đây là bộ đồ hiệu của chính nhà sản xuất may cho gấu Teddy, và con gái rất mê những bộ đồ đủ kiểu của nhà sản xuất may cho Teddy mặc.

Tôi chỉ còn lắc đầu. Hình như không chỉ là sắm một bộ áo đầm mà là con gái đang sống với một nổi đam mê nào đó từ thuở bé thơ. Hồi con gái học cấp Một, nó rất mênhững con búp bê Barbie với những bộ quần áo đủ kiểu đầy màu sắc. Lúc đó, một bộ búp bê Barbie giá cả triệu bạc. Dĩ nhiên là không thể mua. Con gái vẽ đầy những trang vở hình những con búp bê, những công chúa, với đủ loại kiểu áo do nó tự “thiết kế”… Tôi “nợ” nó con búp bê Barbie cho đến khi nó vào đại học. Trong một lần hai mẹ con dẫn nhau đi mua sắm, gặp lúc Barbie đang có đợt giảm giá, nó lại vòi vĩnh Mẹ,và tôi đã gật đầu đồng ý mua Barbie cho thiếu nhi…già .

Bây giờ lãnh lương racon gái có thể sắm một cách lẹ làng món đồ chơi nó yêu thích. Còn ngày xưa, để sắm con búp bê to, đẹp đầu tiên cho nó, tôi đã phải chờ. Phải đến lúc tôi bắt đầu nhận được công việc làm thêm, tôi mới có thể nghĩ đến…Những bà mẹ có con nhỏ thời đó, bây giờ thỉnh thoảng ngồi nhắc lại, chỉ có chúng tôi mới hiểu được những khốn khó, còn bọn nhỏ có biết gì đâu… Lúc đó con gái khoảng ba tuổi. Nó đang bị bệnh, không đi nhà trẻ mà ở nhà với ông bà Ngoại. Đi làm về tôi ghé thương xá Tax, chọn một con búp bê to, mắt chớp chớp, tóc vàng loăn xoăn. Một con búp bê đẹp nhất trong đám búp bê ở đó… Ngày còn bé tôi đã mong ngóng Mẹ mua quà về cho mình thế nào,thì lúc đó tôi cũng nôn nóng mang quà về cho con y như vậy.Vừa dừng xe trước cổng, nhác thấy bóng con bé lanh chanh chạy ra, tôi giơ cao con búp bê qua những song cửa…Nó ôm con búp bê chạy vội vào nhà, không kịp để tôi nhìn đôi mắt sáng rỡ của nó. Nhưng tiếng reo và tiếng cười hăng hắc của con bé thì thật là quá đủ…

Trong lần dạo phố gần đây của hai mẹ con, con gái giả vờ kéo mẹ vào gian hàng Teddy, làm bộ vòi vĩnh : “ Mẹ…mua một bộ áo đầm cho bé gấu Teddy đi ! “ . Nó cười khoái chí khi thấy tôi trợn mắt, lắc đầu quầy quậy ...
--> Read more..

Có đêm thì phải có ngày...


Hôm trước xem mấy tấm hình chụp ở Sing, anh bạn Hồng Đăng hỏi Marg. sao chụp hình ban đêm không vậy , nên hôm nay Marg đưa lên mấy tấm hình ban ngày cho đầy đủ âm dương...

Photobucket
Biểu tượng Sư tử biển nổi tiếng của Sing


Photobucket
Bác PNH đã có hình chim sáo trên cây cỏ . Còn ở đây chim sáo vô tư nhảy chân ...sáo trên nền béton


Photobucket
Kiến trúc nhà trái sầu riêng


Photobucket
Nhà cao tầng.


Photobucket



Photobucket
Tòa nhà Đại học Mỹ thuậtvới kiến trúc hiện đại


Photobucket
Khu nhà cũ theo kiến trúc thuộc địa. Tiếc là không chụp được khu phố bảo tồn theo kiến trúc Hoa ( giống như những dãy phố Hoa ở quận 5)


Photobucket

Và đây là những chủ nhà...

Photobucket



Photobucket

Đường phố đâu đâu cũng là một màu xanh

Photobucket



Photobucket



Photobucket

Công viên

Photobucket Tượng Sư tử trên núi
--> Read more..

Phố núi



Entry trước viết trong lúc tâmbất ổn. Chắc ghi lung tung nên đã khiến bạn May N thắc mắc:cuối cùng là mình đang đi về quê hay đang ở đâu? Về quê ! Muốn lắm, nhưng có lẽchưa thể đến lúc ”một mai, một cuốc, một cần câu…”. Vẫn còn nặng nợ …Thế là những ngày cuối tuần qua, mình đi thành phố cao nguyên Đà Lạt.

Rất muốn gọi “thành phố sương mù Đà Lạt “ và mong đến đó chỉ để được nhìn một chút... sương tan. Thế nhưng mấy ngày ở đó không nhìn thấy chút mù sương nào. Dẫu buổi sáng đã thức thật sớm loanh quanh ở mấy con dốc đi lên, đi xuống… Cuối một con dốc, bất chợt thấy vài nhánh marguerite lẻ loi, thứ hoa cúc trắng đơn giản này, bây giờ ở SG khó tìm thấy và ở Đà lạt cũng trở nên hiếm.
Một buổi sáng, trong lúc mọi người lên xe jeep leo đỉnh Langbiang thì mình lang thang vào một rẫy rau của người dân tộc, ngắm những vuông rẫy củ dền tím ngát, những bắp cải tròn xoe xanh um. Thấy mát mắt và dịu lòng. Những giọt sương đọng trên lá cỏ tinh khiết, mong manh khiến bước chân ai cũng ngại ngần… Những phút thanh thản hiếm hoi…
Chơi đùa với mấy đứa trẻ dân tộc thật hồn nhiên và dễ thương. Chúng nói tiếng dân tộc, chưa đi học nên chưa biết tiếng Kinh, nhưng biết nói "bái bai". Bố mẹ chúng thìnằng nặc mời vào nhà uống chút rượu cần. Nhìn thấy họ phơi lưng hàng giờ dưới nắng bên luống rẫy, để chiều đi chợ, nghe mọi ngườixuýt xoa khen rau củ ở Đalat rẻ, mà thương họ.
Giá mình có được nhiều thời gian tự do đi lan man như thế sẽ hay biết dường nào... Sáng nay các bạn trẻ ở cơ quan bảo: “ Cô chụp hình trên Đà Lạt với đám trẻ quậy tụi con trông trẻ trung lắm”. Ồ! Mình mà vẫn còn trẻ ư ?!!
--> Read more..

Mẹ và con gái - Article du 16 décembre 2008



Cám ơn Mẹ đã cho con Một Ngày, để từ đó con bước đi một đời...

Có những mùa hạ lóng lánh bảy sắc cầu vồng. Và những mùa đông chất chồng mây xám. Con đường dài hun hút...
Ta đã đi và ta sẽ đến...
Để rồi những bước chân non của chú chim di lại chập chững nối tiếp...
Cuộc sống vẫn dâng trào...


16/12/2008




Photobucket

..........Photobucket

Photobucket

Photobucket


Photobucket

Photobucket

Photobucket

Photobucket

Photobucket
--> Read more..

Dấu chân..

Flag Counter