Hồi xưa đi học tiếng Pháp, cô giáo đặt cho tôi một cái tênTây là Béatrice. Tôi không thấy thích chút nào. Nhỏ bạn tôi, cô đặt là Vannessa. Tên nghe êm nhẹ như mơ…Thấy tôi có vẻ không thích tên Béatrice, cô kể cho cả lớp nghe về Dante, nhà thơ nổi tiếngngười Ý và mối tình của ông với nàng Béatrice :
“ Giữa khung cảnh chính trị và xã hội kinh hoàng như một ác mộng của thời Trung cổ Âu châu, diễn ra một tình yêu cao thượng , thanh thoát kỳ lạ. Năm đó Dante lên mười hai tuổi. Một lần đi dự một cuộc lễ, giữa những tiếng nhạc, những điệu vũ,những cảnh xiêm y rực rỡ, những tiếng vó ngựa hùng tráng, mắt Dante dừng lại chăm chú trên một khuôn mặt…Béatrice năm đó vừa lên chín tuổi. Hai đứa trẻ trong lễphục trang trọngnhìn nhau đăm đăm say đắm. Đối với Dante, cậu học trò mười hai tuổi đã sớm dự vào hỗn loạn của thời đại, đã chứng kiến những cảnh tương tàn, những tham vọng cuồng điên nhất, khuôn mặt của Béatrice, cũng như âm thanh của tên nàng là tất cả những gì tượng trưng cho an lạc, cho duyên dáng mà con người có thể mơ ước giữa cảnh chém giết không gớm tay này.
Tám năm sau, Dante đã hai mươi tuổi , là một sinh viên nhiều hứa hẹn. Vào một buổi chiều , Dante đang đi trên một con đường nhỏ dẫn đến thánh đường, thì chợt chàng đứng lặng người. Hình ảnh thanh thoát của cô bé áo đỏ năm nào giờ đây hiện lên tuyệt vời. Hôm đó Béatrice mặc chiếc áo dài trắng tha thướt phủ tận gót lại càng có vẻ thoát tục hơn bao giờ. Và thiếu nữ cũng không quên cậu bé năm nào, đã trang trọng chào lại, mĩm cười. Chỉ là một cái chào bình thường mà tất cả mọi người quen biết có thể trao đổi với nhau, nhưng với Dante thì đó là một cử chỉ hàm chứa nhiều ý nghĩa. Tình yêu siêu nhiên của Dante không cần những lời nói hay những gặp gỡ nào khác. Dante đã làm nhiều bài thơ ca tụng nàng, nhưng để giữ kín tình yêu, đã thay tên nàng bằng một tên tưởng tượng.
Tình yêu của hai ngườiđang độ lý tưởng, thì một biến cố xảy ra cắt đứt tất cả ước mộng của Dante. Béatrice vì một lý do gia đình hay chính trị nào đó, được gã cho một công tử trong xứ. Có lẽ vì buồn rầu, chỉ ít lâu sau nàng héo mòn dần mà chết…Dante cảm thấy như đất trời sụp đổ quanh mình, chàng nhìn vạn vật bằng một màu đen tối nhất và quyết định làm việc hết sức để xứng đáng với người yêu, với tình yêu, để một ngày kia đủ sức diễn tả tất cả những gì liên quan đến tình yêu ấy. Và tác phẩm nổi tiếng “La DivinaCommedia “đã ra đời.
Ngày nay nói đến Dante, là biết đến thời đại của ông, biết những giá trị trường cửu mà Dante đặt vào tác phẩm, biết đến tinh hoa của một nền văn minh, tương tự như văn minh của chúng ta hôm nay, trong đó con người say sưa chém giết nhau, giành giật nhau, tuy nhiên vẫn có một ước nguyện tìm an lạc, hạnh phúc, trong sạch.
Nói đến Dante, tức là nói đến tình yêu lý tưởng,nói đến Béatrice,nói đến người Nữ muôn đời, gồm được đức hiền của Mẹ và chị, có vẻ quyến rũ duyên dáng của tình nhân, có lòng trung trinh của người vợ và có sự toàn hảo của thần linh. Chính khuynh hướng ngưỡng vọng một người nữ toàn thiện, toàn mỹ ấy mà bao giờ nhân loại cũng tôn thờ một Nữ thần, tượng trưng cho tất cả khát vọng, an lạc, tuyệt mỹ của lòng người. Chính Dante đã dùng hình ảnh của Béatrice để diễn tả khát vọng thanh cao ấy giữa những toan tính hèn mọn, những hành động tàn ác và thiển cận…” ***
Một mối tình tuyệt đẹp… Nhưng nghe xong tôi lại càng không dám nhận cho mình cái tên “ Béatrice” !!! Hic hic...
*** Đoạn văn kể trên do tôi chép lại từ một tạp chí, cách đây trên 30 năm, nhưng ngày đó, tôi lại không chép tên tác giả nên giờ không còn rõ xuất xứ. Tôi thích giới thiệu nó nhân ngày 8/3 nhưng mãi bận, nên hôm nay ngồi gõ lại...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét