Thứ Ba, 8 tháng 4, 2014

Vài nhà thờ ở Huế

Trong những entry trước , tôi có đưa lên một số hình ảnh của vài ngôi chùa ở Huế mà tôi đã đến viếng . Lần này tôi đưa lên hình ảnh của các nhà thờ tôi có dịp ghé qua . Thật hay là vừa rồi tôi được đọc các entry về tên gọi nhà thờ bên nhà bác PNH và em bosusu,  nên nhờ đó phân biệt được các tên gọi nhà thờ ở Huế tôi đã đi qua

Đầu tiên là đan viện Thiên An . Đan viện nằm trên vùng đồi thông ở huyện Hương Thủy, cách thành phố Huế 10km . Các đan sỹ người Pháp thuộc dòng tu khổ hạnh Benedictine đã khai phá đồi và xây dựng , khánh thành đan viện vào năm 1940 . Cũng giống như ở  các chùa , nếu không đến đúng ngày , giờ  thì cổng vào chánh điện đóng kín , tôi chỉ ngắm được kiến trúc bên ngoài và đặc biệt tôi nhận thấy kiến trúc đan viện Thiên An có một số chi tiết gần gũi với kiến trúc đền chùa của Việt Nam . Chẳng hạn hai khung cửa sổ ở mặt tiền cũng giông giống như ở các ngôi đình làng Huế . Các ô cửa tò vò có họa tiết là chữ Hán ( chắc phải nhờ các bác biết chữ Hán giải thích đó là chữ gì , hic ) . Và tháp chuông bên cạnh thì tôi thấy giông giống như tháp Phước Duyên ở chùa Thiên Mụ . Tôi nghĩ ngày đó các đan sỹ Pháp đã chọn lối kiến trúc đan viện sao cho  gần gũi với người dân bản địa .











Các ô cửa tò vò có họa tiết chữ Hán , góc mái có các đầu đao như đền chùa



Tháp chuông



Ô cửa sổ cũng có chữ Hán và đối xứng hai bên như ở các ngôi đền chùa 


Cảnh quan chung quanh đan viện khá đẹp nên có nhiều cô dâu chú rễ đến chụp hình



Bậc thang lên đan viện , chánh điên được xây dựng trên ngọn đồi cao nhất



Hoa tầm xuân ở đan viện Thiên An

Nhà thờ Chánh Tòa Phủ Cam

Nhà thờ Phủ Cam có một lịch sử rất lâu đời . Khởi thủy Phủ Cam chỉ là một nhà nguyện , được linh mục Pháp Langlois xây dựng ở bờ sông An Cựu năm 1682 . Hai năm sau , nhà thờ được di dời và xây dựng kiên cố bằng đá ở đồi Phước Quả . Tiếp đến là giai đoạn cấm đạo của các Chúa Nguyễn khiến nhà thờ bị triệt hạ vào năm 1698 . Đến năm 1898 , nhà thờ được linh mục Allys cho xây dựng lại ở vị trí nhà thờ đá ngày trước.
Đến năm 1960 , Tổng Giám mục Huế là Ngô Đình Thục đã  cho xây mới lại hoàn toàn nhà thờ Phủ Cam như hiện nay do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế ( kts Ngô Viết Thụ cũng là tác giả thiết kế Dinh Độc Lập ở Sài Gòn ) .
Nhà thờ Phủ Cam có khuôn viên rộng và kiến trúc rất bề thế . Trong sân trồng nhiều hoa , đặc biệt là những cây  đào nở hoa rất đẹp . Tôi cũng rất tiếc là không vào được để xem nội thất bên trong nhà thờ 








Kiến trúc nhà thờ mang đường nét Tây phương , mạnh mẽ , bề thế 


Hoa đào trong khuôn viên nhà thờ 















Nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế nằm ở đường Nguyễn Huệ ngay trong thành phố Huế . Năm 1928 , tu viện Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp được xây dựng tại đây . Đến năm năm 1959 , nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế được xây dựng có kiến trúc như hiện nay . Nhà người thân của tôi ở gần nhà thờ DCCT , nên mỗi lần qua lại , tôi được dịp ngắm kiến trúc nhà thờ . Và có lẽ mối quan tâm của tôi cũng chỉ dừng lại ở kiến trúc như đối với các công trình khác , còn các hoạt động thuộc lãnh vực tôn giáo tôi cũng không biết rõ lắm nên chỉ xin đưa lên đây một vài hình ảnh thôi vậy .












Tu viện Dòng Chúa cứu thế 














31 nhận xét:

  1. Thật tuyệt bạn Marg. Lần đầu tiên tôi biết đến ở Huế còn có những ngôi nhà thờ đẹp như thế này chứ không phải là những ngôi chùa cổ kính.

    Đan viện Thiên An có kiến trúc Đông phương, phảng phất như một Tu viện Phật giáo, tháp chuông làm nhớ lại hình ảnh tháp chùa Thiên Mụ. Nhà thờ Phủ Cam với hoa đào như một nhà thờ Tây Phương, phảng phất không khí cao nguyên. Nhà thờ DCCT với kiến trúc khá lạ nhưng tổng thế rất hài hòa.

    Rất hay, nếu có dịp nào đến Huế lần nữa tôi sẽ phải đi ngắm nhà thờ, cám ơn nhiều. :-)))))

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi hơi thắc mắc chữ "Đan viện", bởi cũng là lần đầu tiên được biết, bên TCG cũng có Tu viện để chỉ nơi chuyên tu hành của các tu sỹ (như bên PG). Được bạn Marg. cho biết trước đây là dòng tu khổ hạnh Benedictine của các tu sĩ người Pháp. Tra từ điển Hán Việt chữ "Đan" có đến cả gần chục chữ với nhiều nghĩa, có một chữ Đan với ý nghĩa là thiền viện, nơi tu hành, không biết có phải chữ này không?

      Hihi, đúng là từ Chánh điện thường dùng để chỉ khu vực thờ chính trong một ngôi chùa Phật giáo, hay đình, đền tín ngưỡng dân gian. Chắc bạn Marg. quen từ này rồi. Bên TCG như bố susu rành có thể gọi là "nhà nguyện" (dễ lầm với "Nhà nguyện" là để chỉ một ngôi nhà thờ nhỏ), hoặc "cung thánh". Nhưng có lẽ dễ hiểu nhất có thể nói là "cửa nhà thờ hay đền thờ bị đóng" (vì ở những nơi ít khách vãng lai nhà thờ thường chỉ mở của khi hành lễ).

      Thỉnh thoảng tôi có ghé nhà thờ TCG thấy một vài người chắp tay xá, biết ngay không phải "con chiên" (từ ngữ chỉ tín đồ TCG). Đấy là cái khác nhau về hình thức giữa những tôn giáo. :-)))

      Xóa
    2. Trước giờ khi nghe mọi người nói Đan viện là em thường hiểu dành cho những dòng tu kín thôi :)

      Xóa
    3. Nhà thờ Phủ Cam do KTS Ngô Viết Thụ thiết kế đẹp quá bác H nhỉ . Công nhận ông Thụ đã thiết kế nhiều công trình có giá trị để đời . Thư viện quốc gia ở Sài Gòn cũng do ông thiết kế
      Mấy chữ Hán trên cửa của đan viện Thiên An có nghĩa là gì vậy bác ?
      Nhà thờ dòng chúa cứu thế cách đây 20 năm , M ra Huế có chụp hình tại đó , lúc đó nhà thờ màu xám trông lạnh lẽo như nhà thờ đá Phát Diệm chứ không như bây giờ , nhưng lúc đó lại thấy đẹp hơn (-:

      Xóa
    4. Bốn chữ Hán trên cửa sổ đâu đọc được... ba, nếu đọc từ trên xuống và trái qua là Thiên chủ... quang, hihi.

      Trong quyển từ điển Ngôn ngữ - Văn hóa - Du lịch Huế xưa của tác giả Trần Ngọc Bảo, viết về ngôi Nhà thờ thứ ba (cuối cùng) mà bạn Marg. đã đưa lên, đó là nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Bên cạnh là dòng Chúa Cứu Thế, nhưng người ta lại quen gọi như bạn Marg. đã viết bên trên là nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, và tu viện Dức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Ở Saigon nơi đường Kỳ Đồng quận 3, có ngôi nhà thờ và dòng tu cũng y như thế (vừa qua nhận quàn và làm lễ tang cho thày giáo Đinh Đăng Định).

      Xóa
    5. Aaa, 4 chữ tiếng Hán trên cửa sổ đọc từ phải qua trái và từ trên xuống là "Vinh quang Thiên chủ", có ý nghĩa tôn vinh đức Chúa Trời. Ở nhà thờ Tân Hòa quận Phú Nhuận gần nơi nhà bạn Marg., một ngôi nhà thờ có kiến trúc Á đông cũng có 4 chữ này.

      Xóa
  2. với nhà thờ thì không dùng chữ "Chánh điện" đc chị Mar ơi. Có thể dùng từ "nhà nguyện", "cung thánh" để chỉ khu vực trong lòng nhà thờ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi , khi gõ chữ " chánh điện" , chị cũng nghi không đúng , nhưng không biết gọi là gì khác . Cám ơn Bố susu nhé . Giờ thì chị biết rồi ((-:

      Xóa
  3. 1- Bu tui là con rể Huế, ở Huế 13 năm, qua lại mấy nhà thờ này hoài nhưng ít khi dừng lại quan sát. Chỉ có Dòng Cứu Thế là bu quan tâm đến nhiều vì có bạn thân ở gần đó. Bu cũng được xem đồ án cũ nhà thờ Dòng Cứu Thế hơi khác với nhà thờ được xây dựng như bây giờ. Người Huế bảo nhà thờ này cũng do KTS Ngô Viết Thụ thiết kế. (Ông này người Huế lúc thanh niên có gia nhập bộ đội Việt Minh đánh Pháp) Trước đây bu chỉ cưỡi ngựa xem nhà thờ, nay mới được ngắm kỹ những công trình tuyệt đẹp ấy. Bu vẫn thích nhất nhà thờ Dòng Cứu Thế, Hình khối cân đối, bề thế, tạo nên cảm giác sùng kính đấng bề trên. Những đường nét đông phương ở đây rất gợi cảm và kín đáo nó không quá Tây như nhà thờ Phủ Cam, không quá ta như Đan viện Thiên An. Hình như tấm ảnh nhà thờ này bạn chụp cũng đẹp hơn cả
    2- Chữ Hán trong vòng tròn là chữ THÁNH. Mấy chữ nhỏ nơi cửa sổ là VINH QUANG THIÊN CHÚA như PNH đã nói, Đọc cột bên phải trước đọc cột bên trái sau. Người Hán không có chữ CHÚA mà chỉ có chữ CHỦ (nếu đọc vinh quang thiên chủ thì không Việt Nam tí nào )
    3- Cảm ơn bạn đã cho bu về lại Huế để thầm ca Huế ơi quê vợ của ta ơi hihihi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng như bác bu nói , nhà thờ DCCT có kiến trúc hài hòa Đông- Tây , thế nhưng M thì thích hình khối và đường nét mạnh mẽ của nhà thờ Phủ Cam hơn . Khổ nỗi nhà thờ cao , to quá nên ống kính máy chụp hình của M không lấy được góc chụp đẹp của nhà thờ ( tấm thứ hai của serie hình nhà thờ Phủ Cam , có hai bạn trẻ ngồi ở góc nhà thờ , nhìn bé xíu , cho thấy nhà thờ rất cao ).
      Cám ơn bác Bu đã giải thích các chữ Hán ở đan viện Thiên An và cũng rất vui khi bác xem hình nhớ đến "quê vợ ta ơi" , hihi ...

      Xóa
  4. Nói thêm về chữ ĐAN
    單 đan, đơn, thiền, thiện
    Phải nhận là mấy ông Tây dùng chữ ĐAN VIỆN quá hay
    Chữ đan này có bốn nghía như bu ghi trong hàng thứ 2
    Nguyễn Tôn Nhan có giả thích: Đan là chỗ ngồi thiền . Tu khổ hạnh không phải thiền nhưng không khác chi Thiền trong Phật giáo. Mà bản thân chứ đan cũng có nghĩa là thiền, và thiện
    Nếu gọi là Tu VIện thì không thể hiện tính khổ hạnh, tính biệt lập, chỉ có Đan Viện mới lột tả được ý nghĩa đó....Đôi khi ta hiểu ngầm đầy đủ hơn là giải thích bằng chữ nghĩa

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bác Bu đã giải thích cho thấy cái hay của chữ ĐAN . Đọc bên bố Susu biết được đan viện là nơi tu kín . Giờ được bác Bu giải thích thêm ý nghĩa từ ngữ thì quá hay

      Xóa
  5. Chữ ở cửa sổ nếu đọc theo Hán-Việt là "Vinh quang Thiên chủ", còn nếu đọc theo chữ Nôm là "Vinh quang Thiên chúa", chữ "Chủ" Hán Việt, Nôm đọc là "Chúa" (Đại từ điển chữ Nôm của Vũ Văn Kính), còn chữ trong vòng tròn Nôm cũng đọc là "Thánh".

    Hay mấy chữ này được viết bằng chữ Nôm chăng?

    Còn chữ Đan trong Đan viện chắc đúng là chữ Đan bác Bu đã viết có nghĩa là Thiền viện (PG) (nơi tu hành).

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Được các bác giải thích nghĩa của các chữ Hán - Việt quá hay . Đúng là biết các loại chữ Hán , Nôm đi đến các đi tích , đền đài đọc , hiểu được thì hay quá bác H nhỉ

      Xóa
  6. Hihi, theo quyển Từ điển Ngôn ngữ - Văn hóa - Du lịch Huế xưa của tác giả Trần Ngọc Bảo, mà tôi đã trích dẫn thì Nhà thờ Phủ Cam có nguồn gốc rất xa xưa, tận năm 1682, do Linh mục Langlois xây dựng bằng tre. Sau đó chính cha Langlois cho xây lại bằng đá, rồi lại bị phá hủy. năm 1892-1902 Giám mục Allys xây lại bằng gạch ngói kiểu Gothique. Đến năm 1963 Tổng Giám mục Ngô Đình Thục xây lại theo đồ án của KTS Ngô Viết Thụ. Do thời cuộc công việc xây dựng dở dang, đến tận năm 2000 mới hoàn thành.

    Còn Nhà thờ Đức Mẹ hằng cứu giúp (bên cạnh là Dòng Chúa cứu thế), được xây dựng từ năm 1959 đến năm 1962, do KTS Nguyễn Mỹ Lộc thiết kế. Còn tu viện Dòng Chúa cứu thế như bạn Marg. viết bên trên được xây dựng từ năm 1928.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bác H đã bổ sung . Marg có chụp một tấm hình Tu viện Dòng Chúa cứu thế , bây giờ nhờ đọc những thông tin của bác , M đã phân biệt được rồi tu viện DCCT là nơi học tập đào tạo của các Cha . Xem lại hình chụp còn thấy một tấm ảnh của đan viện Carmel , M đưa hình lên để xem . Coi vậy mà ở Huế cũng nhiều nhà thờ , có lẽ phát triển dưới thời chính quyền Ngô Đình Diệm

      Xóa
    2. Đúng rồi đó Marg., dòng Chúa cứu thế cũng là một tu viện TCG, như hình ảnh mà bạn đã đưa lên bổ sung. Gọi đúng là Dòng Chúa Cứu thế, còn nhà thờ bên cạnh là nhà thờ Đức Mẹ hằng cứu giúp. Đan viện Carmel có lẽ cũng là một dòng tu kín. Dòng tu kín bên TCG cũng có hơi khác với dòng tu bình thường, ở chỗ luật lệ có khắt khe hơn, rất "kín cổng cao tường", ít tiếp xúc với bên ngoài. Trước đây ở Saigon có một Nhà dòng nữ tu gọi là Dòng kín, nơi đường Đinh Tiên Hoàng gần xưởng Ba Xon. Một năm chỉ mở cửa có một ngày để thân nhân ghé thăm...

      Xóa
    3. Có lẽ nguồn gốc những nhà thờ hoặc tu viện ở Huế, nhất là nhà thờ hơi xưa có từ thời Pháp, sang đến thời TT Ngô Đình Diệm được phát triển thêm lên.

      Xóa
    4. hình như chổ bác Hiệp nhắc đến là Đan viện Cát Minh thì phải, e cũng đã đi lễ ở đó một lần cũng lâu rồi...

      Xóa
    5. Có lẽ Bố susu nói đúng rồi, đi từ phía ngã tư Lê Duẩn lên tu viện phía bên tay phải.

      Xóa
    6. M biết tu viện này rồi , ngày trước đi ngang đó M đặc biệt chú ý vì nó kín cổng cao tường và có vẻ rất thâm nghiêm nên M nghĩ là tu viện dành cho các nữ tu .
      Có một chuyện rất ư là "tội lỗi" , hồi đó lúc con bé gái của M 5, 6 tuổi, nó rất hiếu động , nghịch ngợm và hay sân si với người giúp việc , nên khi rước bé đi học về , M đã đưa ra đó , chỉ cánh cổng cao đóng im ỉm , dọa sẽ gửi bé vào đó , mỗi cuối tháng mới cho về nhà ):

      Xóa
  7. Đan Viện Carmen hình như là một dòng tu kín? Hồi trước 75, HN học ở Huế, thường lên Thiên An picnic, cắm trại với bạn bè, bây giờ nhìn rất lạ. Càng ngày hình ảnh MB chụp càng đẹp và đầy tính chuyên nghiệp. Có dịp quay lại Huế, MB thử ghé thăm nhà thờ Tây Lộc ở gần chợ, cũng rất đáng để chúng ta ngắm và chụp hình MB nhé.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nghe nói trên đồi Thiên An có hồ Thủy Tiên , cảnh đồi thông đẹp lắm , nhưng M vì đi vội nên không đi xem hết cảnh đồi , cũng tiếc . Khi nào ra Huế nữa , M sẽ đi đến nhà thờ Tây Lộc . Cám ơn anh HN đã khen , hihi

      Xóa
  8. Ôi ở VN mình mà cũng có những ngôi nhà thờ với lối kiến trúc phương Tây nhìn tuyệt đẹp chị ui !!! Chị chụp ảnh đẹp quá hè !!!! Em thích lắm !!!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chị cũng rất thích kiến trúc Tây phương đó NT . Hihi , chụp đẹp có bằng em không nè ?

      Xóa
  9. Du lich tâm linh, văn hóa của chị Marg hay quá. Mỗi nhà thờ một phong cách riêng, khiến cho hệ thống nhà thờHuế đa dạng, phong phú, nhưng vẫn có chuẩn chung, đó là bố trí theo chiều dọc, cửa chính phía đầu đốc, bàn thờ phía trong xa nhất...
    Các bác còm đủ thông tin rồi, em nói cho có mặt thôi ạ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lâu mới thấy Toro . chị vẫn luôn mê du lịch thăm thú như vậy Toro à . Vui khi Toro ghé thăm blog

      Xóa
  10. Lâu lắm mới ghé nhà Marg. Lúc này vẫn khỏe? Được Marg cho biết một số nhà thờ ở Huế cũng thích, lại được mọi người cho thêm những thông tin quý báu, mình cảm thấy rất thú vị. Cám ơn Marg nhé.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ah , Marg vui khi gặp lại anh Minht. M vẫn khỏe . Anh Minh thỉnh thoảng ghé nhà các bạn bên blogspot cho vui nhé . Chúc anh vui khỏe luôn

      Xóa
  11. Em cũng theo chân chị đến nơi đây, coi như đã được đi thăm Đan Viện Thiên an rồi. Cảm ơn chị Băng Tâm

    Trả lờiXóa
  12. Hihi , lâu mới thấy TT xuất hiện nha . Rảnh vào với các bạn cho vui nhé TT

    Trả lờiXóa

Dấu chân..

Flag Counter