Thứ Hai, 24 tháng 2, 2014

Đàn Nam Giao - Đàn Xã tắc

Những năm đầu ra Huế , tôi được đưa đi thăm các lăng tẩm vua và cung điện trong đại nội . Phú Văn Lâu , hồ Tịnh Tâm v.v... tôi cũng đã đến  nhưng  hầu như tôi không nghe nhắc đến đàn Nam Giao . Sau này tôi mới biết thời gian đó  Đàn Nam Giao được sử dụng làm đài liệt sỹ.
Năm 1992 đài liệt sỹ được dời đi .Năm 1993 đàn Nam giao được Unesco công nhận là di sản văn hóa thế giới. Giá trị của đàn Nam Giao được trả lại từ đó . Đàn Nam Giao được  xây dựng năm 1806 dưới thời vua Gia Long , là nơi để các vua nhà Nguyễn làm lễ tế trời đất . Đàn Nam Giao có khuôn viên rộng lớn hình chữ nhật , rợp bóng thông  xanh mát . Được biết lệ  trồng thông ở đàn Nam Giao đã có từ thời các vua quan triều Nguyễn . Một lối đi lát gạch đỏ dẫn từ cổng vào đến Giao đàn nằm ngay trung tâm . Giao đàn có 3 tầng , tầng trên cùng là Viên đàn xây hình tròn , tượng trưng cho trời . Tầng kế dưới có kiến trúc hình vuông là Phương đàn , tượng trưng cho đất . Tầng dưới  cùng cũng hình vuông , tượng trưng cho người 



Lối đi từ cổng vào Giao đàn 


Giao đàn gồm 3 tầng tượng trưng cho Trời, Đất và Người 


Viên đàn hình tròn ở trên cùng , tượng trưng cho Trời 


Phương đàn là tầng thứ hai , hình vuông , tượng trưng cho đất 


Mặt bằng Viên đàn hình tròn ở trên cùng , , là nơi vua thực hiện nghi lễ tế Giao 


Từ Phương đàn nhìn ra cổng 

Tầng dưới cùng tượng trưng cho Người ( Nhân) , không có thành lan can như hai tầng trên



Sau khi thăm đàn Nam Giao về ,  một người em bảo :  "anh chị đã đến đàn Nam Giao rồi thì cũng nên đến đền Xã Tắc" . Thế là hôm sau chúng tôi thử tìm đến đền Xã Tắc . Khác với Đền Nam Giao , đền Xã Tắc nằm trong khu vực Thành Nội . Chúng tôi phải mất một thời gian đi lòng vòng mới tìm ra được . Hỏi đường thì được chỉ : " Bên nớ ..." , " Kia tề!" . Rốt cuộc , đàn Xã Tắc nằm lọt thỏm trong một khu dân cư . Đàn hiện nay chỉ là kiến trúc phục dựng  và  có vẻ hoang phế . 
Đàn Xã tắc cũng được xây dựng dưới thời vua Gia Long cùng thời với đàn Nam Giao vào năm 1806 , là nơi vua làm lễ tế thần đất và thần lúa . Đàn xã Tắc không còn được làm nơi tế lễ  từ 1945 và hiện nay đất đã bị lấy  xây nhà dân bao bọc chung quanh 

Đàn Xã tắc hình vuông xây gạch , là kiến trúc được phục dựng 









Mặt trên của đàn Xã Tắc , cỏ mọc tràn lan 



Nơi đàn Xã Tắc ngày xưa  bây giờ là khu dân cư có đường Xã tắc và khu tập thể Xã Tắc 













9 nhận xét:

  1. Vậy là bạn Marg. đã "thực sự" biết Huế rồi, qua cầu ngói Thanh Toàn, Đàn Nam Giao, Đàn Xã Tắc. Tôi đến Huế mấy lần theo tour du lịch chưa bao giờ tour đưa đi mấy nơi này, kể cả nhà vườn Huế.
    Ở tấm hình thứ nhì và thứ ba bên trên Đàn Nam Giao ngay trên Viên đàn người ta "trồng" mấy cây cột đèn giống như mấy cái đèn ở đường phố bây giờ trông chán quá, nó không "ăn nhập" gì hết với kiến trúc có được của Đàn Nam Giao ngày xưa.

    Theo Đại Nam Nhất Thống Chí thì tổng cộng có đến 2 Đàn Nam Giao ở Huế, cái đầu vua Gia Long cho xây năm 1802 sau khi lên ngôi ở xã An Ninh sau bỏ, cái thứ nhì hiện nay còn xây từ năm 1806 ở phía nam xã An Cựu, như hình bạn Marg. đã chụp. Khi xưa Đàn Nam Giao còn có những công trình kèm theo như trai cung, thần khố, thần trù...

    Còn Đàn Xã Tắc được xây ở phường Ngưng Tích (tên xưa) trong Kinh thành (thành nội) cũng năm 1806, xưa có 2 tầng hình vuông. Tầng trên mặt nền theo ngũ phương sơn 5 sắc: Ở giữa sắc vàng, Đông sắc xanh, Tây sắc trắng, Nam sắc đỏ, Bắc sắc đen. Năm sắc này cũng tượng trưng cho Ngũ hành, cũng có sách chép vì là Đàn thờ Thần đất và Thần lúa (lúa ngày trước tượng trưng cho các loại hạt thực phẩm), nên 5 sắc cũng tượng trưng cho Ngũ cốc...

    Chuyến đi của bạn Marg. "đáng tiền vé máy bay" quá hả :-)))

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thật ra ở Huế có rất nhiều nơi hay để tham quan . Các tour du lịch thường ngắn ngày nên chỉ đưa tới những nơi "hoành tráng" hơn để thu hút du khách . Còn mình có thời gian và điều kiện thì được đến những nơi có dấu ấn lịch sử như thế này rất thích. Cám ơn bác H đã cho thêm những thông tin về hai đàn Nam Giao và Xã Tắc . Để biết thêm về lịch sử và văn hóa không gì bằng tai nghe , mắt thấy như thế này bác hả

      Ah, không ngờ bác H và M lại đồng cảm về mấy cột đèn như vậy . Đến với mấy công trình kiến trúc xưa , M cứ phải loay hoay chọn góc chụp tránh mấy cột đèn dính với kiến trúc , trông nó nhột nhạt thế nào . Mà nhiều nơi cũng không tránh được . Hồi vô đại nội chụp hình, cứ phải tránh mấy cái đèn led vuông vức mọc ra từ mái ngói rêu phong . Ở bên Nhật, khi đến thăm hoàng cung , cố đô không có cảnh này đâu bác ạ .

      Xóa
    2. Đàn xã tắc đúng khi xưa có 2 tầng . Tầng thứ hai đã được phục dựng như trong hình , tầng thứ nhất giờ cũng cỏ mọc và một phần lớn đã bị nhà dân xây lấn chiếm

      Xóa
  2. Xem ra đất nước mình cũng còn giữ lại những di tích lịch sử như thế này cũng thật hay chị hén . Không có dịp tham quan nhiều ở Huế , giờ được chị Marg dẫn đi tham quan như thế này thì còn gì tuyệt bằng ! Cảm ơn chị nhiều lắm nè !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nang Tuyet lâu nay sao thấy vắng đưa entry mới lên nhỉ . hay là bận đi du lịch đâu đó rồi

      Xóa
  3. Một trong những "thành tích" lớn nhất của những người tiếp quản thành phố Huế với lịch sử, với dân tộc và với kinh thành Huế là việc phá đàn Nam Giao để làm đài liệt sĩ! Chắc MB biết tác dụng ngân vang của những viên đá ở đàn này?

    Trả lờiXóa
  4. Thiếu hiểu biết lịch sử, văn hóa ... trình độ , kiến thức đứt đoạn là một nguy cơ anh HN nhỉ .
    Tác dụng ngân vang của những viên đá là nghĩa bóng hay nghĩa đen vậy anh HN?

    Trả lờiXóa
  5. Khi Kinh thành Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, nghe nói rằng bên TT Bảo tồn di tích cố đô Huế đi tìm lại những tảng đá này nhưng chỉ còn lại rất ít! HN nói đúng nghĩa đen MB à!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vậy thì đây là lần đầu, được nghe Anh HN nói , M mới biết về những viên đá ngân vang của đàn Nam giao . Điều đó là có thể , giống như đàn đá Tơ Rưng vậy nhỉ

      Xóa

Dấu chân..

Flag Counter