Thứ Tư, 26 tháng 3, 2014

Chùa Huyền Không Sơn Thượng , Huế

Sau khi đi viếng các chùa Từ Hiếu , Từ Đàm , Diệu Đức , tôi nghe nói chùa Huyền Không Sơn Thượng tuy xây dựng sau này nhưng khung cảnh rất đẹp , thế là tôi thử tìm đến . Chùa Huyền Không Sơn Thượng nằm ở huyện Hương Trà , đi theo hướng Kim Long lên . Chùa nằm trong một thung lũng , chung quanh là đồi núi , rừng thông .Được xây dựng vào năm 1978 , chùa theo hệ phái Nam Tông , có kiến trúc đơn sơ , các pho tượng thờ giản dị . Vị sư trụ trì nổi tiếng về viết thư pháp Việt , nên đến đây có thể gặp những dòng thư pháp ở khắp các nơi .
Ở chánh điện , sau khi lễ phật , mọi người có thể ngồi nán lại bên nhau , hưởng chút thanh tịnh nơi cửa thiền, thoải mái giống như ở các chùa bên Thái Lan . Bên trong chánh điện có đặt một cái hòm đựng các câu bói xuân . Tôi thử đến rút  một quẻ , được câu bói đầu năm  như sau :" Vén trăng khoác mộng rong chơi , Đời người vốn đã nực cười chiêm bao " . A ha , câu bói này hình như khá hợp với tôi đây ...


Cảnh quan chùa hao hao theo phong cách vườn chùa của Nhật , nhưng nếu đã thực sự đến với vườn , chùa Nhật rồi thì sẽ có cảm giác thiếu thiếu vì  thiết kế ở đây...  "chưa tới" 











Hoa súng tím nở lác đác  



cầu béton giả gỗ


Ngôi chánh điện ( nhìn cảnh bài trí ở đây , tôi hiểu được  vì sao OX của tôi luôn có kiểu trang trí nhà cửa đối xứng một cách tuyệt đối) 


Trong chánh điện 






Thực tình là tôi không thấy kiểu chữ thư pháp này đẹp 











Am mây tía , nơi các sư đàm đạo , viết thư pháp ...


Nơi đây không có những pho tượng phật to đồ sộ , nhưng tôi thích thần thái của các pho tượng này 












Nội quy cũng thành  thơ 



Đường lên chùa uốn lượn ngoằn ngoèo theo triền núi 



Dưới chân núi là đồng xanh có cánh cò bay lả 


có cánh đồng hoa cải 



cánh đồng hoa glaieul 


Từ chùa về , tôi ghé thăm một người cậu họ , nhà ở ven sông Hương . Tôi gặp  bà o là một tôn nữ ngày nào . Tôi ngắm bà lúc bà nói chuyện , thời gian vẫn không làm nhạt nhòa nét quý phái của một tôn nữ ngày xưa . Bà vừa đi cúng bái lễ hội chi đó và mang về một lon bia . Bà rót ra ly mời  vợ chồng tôi uống , gọi là hưởng lộc Vua . Vậy là đầu năm nay tôi đã được lộc  ((-:



nhà người thân nhìn ra sông Hương 



Bà o Tôn nữ đang hưởng lon bia, lộc vua ban  



16 nhận xét:

  1. Tôi cũng có nghe và đọc mấy bài giới thiệu và khen chùa Huyền Không ở Huế, chưa tới nên không biết sao. Hôm nay được du lịch ké theo bạn Marg. ngắm một số cảnh chùa.

    Có sơn thủy, cỏ cây, hoa lá. Hay. Tượng Phật Kinh hành (Phật đang bước đi giữa hoa cỏ) với Giáo hóa ấn trên bàn tay phải đẹp.

    Nhưng tôi đặc biệt không thích lối viết thư pháp chữ Việt của chùa Huyền Không, như mấy chữ trên giấy đỏ, trên bảng gỗ hay trên cột nhà. Tôi cứ nghĩ đây là chữ viết xấu của người cẩu thả chứ không phải thư pháp. Mong đây chỉ là suy nghĩ chủ quan của mình.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chùa có ưu thế cảnh quan thiên nhiên đẹp . Thật ra dấu ấn do bàn tay con người chăm chút vào cảnh vật cũng chưa nhiều nét đặc sắc lắm . Ngay nội thành Huế đã có quá nhiều điểm du lịch rồi nên các tour ít đưa khách lên đây . Nếu muốn lên chùa, đi bằng xe gắn máy , chạy tà tà theo con đường lên núi cũng hay .
      Bác H nói mới biết tượng Phật kinh hành với Giáo hóa ấn . Còn tượng Phật ngồi với hình cầu tròn trong tay là sao hở bác ?
      Hihi M cũng chưa thưởng thức được kiểu chữ thư pháp Việt này .

      Xóa
  2. Hình 2 tượng Phật ngồi trên tòa sen mà bạn Marg. đã chụp bên trên giống nhau, trong tư thế kiết già, còn quả cầu tròn thủy tinh trong lòng bàn tay của tấm ảnh kiết già phía trên là do người ta đặt vào chứ không phải đã có khi tạc tượng. Trong tượng Phật ngồi có khi trên tay đặt bình bát, có khi là cái bình (trông như cái lọ cắm hoa, bình có ý nghĩa bình thuốc - Phật Dược sư), còn viên ngọc trong nhà Phật thường biểu hiện là "ngọc ước - Mani", với ý nghĩa giúp ta thoát khỏi mọi phiền não, thanh tẩy cõi lòng...

    Trả lờiXóa
  3. Riêng thư pháp, là một môn nghệ thuật với những nguyên tắc khá chặt chẽ về bút pháp, nét chữ... Không phải... muốn viết gì thì viết (chữ to chữ nhỏ, viết hoa hay viết thường, nghiêng ngửa...). Thư pháp chùa Huyền Không có vẻ... hoang dã quá :-)))

    Trả lờiXóa
  4. Dạ, có thêm chị Yến đồng cảm ((-:

    Trả lờiXóa
  5. Cảnh chùa thật yên tĩnh gì đâu ! Nhìn tượng của Đức Phật thật trang nghiêm chị nhỉ ? Khi còn ở VN , em cũng hay đến một cái Đình thật lớn ( em quên mất tiêu tên của vị thần rồi ) ở bên nhà bè để xin sâm ...sâm thật đúng , nên em thích lắc sâm để xin vào những ngày đầu năm hoặc mỗi khi có chuyện gì không vui ...ôi đúng lắm đó chị ơi ....

    Trả lờiXóa
  6. Cảnh chùa thanh tịnh an lành quá chị nhỉ. Đi du lịch theo chị Băng Tâm thật thích, ảnh đẹp nhận xét tinh tế... Cảm ơn chị!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lâu quá mới thấy TT vào blog , rồi còn khen ảnh đẹp nữa làm thích quá , hihi ...

      Xóa
  7. Bu đến đây hồi đang ở Huế, bấy giờ chùa vừa mới dời từ núi Hải Vân về. Tại sao phải dời là chuyện dài dài.... Bu tui cho rằng các sư ở đây có cách viết đặc trưng Huyền không nhưng quyết không thể gọi là thư pháp. Hai chữ THƯ PHÁP gắn liền với sự ra đời và phát triên của chữ Hán. chữ Việt mới xuất hiện khi người Âu vào truyền giáo cách nay vài trăm năm, vậy làm sao gọi thư pháp chữ việt được. Bản thân chữ Hán là một bức tranh nằm trong hinh vuông. Kết cấu của nó nói lên ý nghĩa xã hội vô cùng sâu sắc và đầy tính nhân văn triết lí. Chữ sĩ gồm chữ nhất và chữ thập. Sĩ là học trò, học một (nhất) phải biết mười (thập) và khi biết mười thì nên dạy lại cho người đời một mà thôi. Chữ Xá (trong Xã hội) còn trùng trùng triết lí ...Bây giờ viết chữ SĨ và chứ XÃ bằng chữ việt thì không nói lên được gì cả, vậy tính chất PHÁP của nó nằm ở đâu? Nên chăng gọi nó là thư họa.

    Trả lờiXóa
  8. Thật là vui được gặp lại bác Bu và được bác Bu cho hiểu rõ thêm nghĩa hai chữ "thư pháp" , cũng như ý nghĩa sâu sắc và triết lý của chữ Hán , điều mà một người " ngoại đạo" như M rất mù mờ . Cám ơn bác Bu lắm lắm ((-:

    Trả lờiXóa
  9. HN thích câu:"Vén trăng khoác mộng rong chơi", câu sau không hiểu nhưng mừng cho MB. Ngài Minh Đức Triều Tâm Ảnh là một nhà tu am tường sâu sắc Phật pháp và những điều ông viết ra được nhiều người kính nễ. Việc viết "thư pháp bằng chữ Việt" có lẽ cũng là một cách update chuyện tu hành nhưng chưa hẵn là do ý tưởng của ông ta (?). Điều này phần nào làm giảm niềm tôn kính của thiện nam tín nữ khi viếng chùa vì nó phần nào mang nét gì gì đó giống "Đại Nam Quốc tự" ở Bình Dương của ông Huỳnh Uy Dũng!

    Trả lờiXóa
  10. Không thể so sánh thư pháp Phật giáo trong chùa với thư pháp văn học vì Phật giáo coi trọng sự giản đơn, chú ý đến sự " Giả ", " Không" của vạn vật, nói ra thì dài dòng lắm. Tóm lại thư pháp Phật giáo trong chùa Nam Tông không chú trọng nhiều đến cái đẹp nghệ thuật mà cốt là sự hiểu và sự hành khi đọc câu thư pháp đó. Cần phân biệt nghệ thuật Phật giáo ( cần đẹp, tao nhã, nghệ thuật đỉnh cao) với thư pháp cảnh thiền trong chùa ( nhẹ nhàng, giản dị, mộc mạc nhưng cũng rất sâu sắc).

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bạn Hoa Đào Mùa Xuân ghé qua xem và cho biết thêm những điều liên quan đến viết thư pháp Phật Giáo

      Xóa
  11. Như đang tham quan chùa cùng Marg vậy. Thích thật. Cảm ơn Marg nhiều nhiều nhé.

    Trả lờiXóa

Dấu chân..

Flag Counter