Thứ Năm, 10 tháng 9, 2009

Con chim se sẻ nó đẻ cột đình...


Cuối tuần, một  người bạn gửi đến lời chúc “ Cuối tuần chợ búa… “ , thật tình là bạn đã chạm đến “nỗi lòng” của tôi. Cả tháng qua tôi không còn hứng thú chợ búa, nấu nướng nữa. Đi chợ thấy có bán những  món mà thằng con trai ưa thích,  theo phản xạ định sà vào mua, sực nhớ nó đang ở xa. Thế là mất hứng. Có hôm đang đi lơ ngơ, một chị bán hàng kêu ơi ới : “ Chị, chị, hôm nay có tôm sú ngon nè chị ! ” . Tôi  liếc nhanh, mĩm cười  lắc đầu,  rồi lặng lẽ đi. Chắc chị bán hàng sẽ  lạ lắm  vì nụ cười của tôi hẳn là gượng gạo. Còn tôi thì đang lẩm nhẩm  nhớ thằng con rất thích món tôm sú hấp nước dừa … Thấy con cá chép bơi lượn lờ. Lại nhớ thằng con hay nhắc mẹ nấu món riêu cá chép. Đi chợ mà cứ nhớ thằng con …


Đi học xa mới được hai tuần, trong lúc chat vói chị, cu cậu đã kêu lên : “ Nhớ những món mẹ nấu kinh khủng ! “ . Vô blog con trai  lục lọi những tấm hình  nó ở xứ người, tôi cứ chăm chú vào những tấm hình chụp tụi nó đang ăn, tôi soi mói những dĩa thức ăn xem con được  ăn món gì … Chắc là  thói quen thôi . Từ lớp một nó đã phải học bán trú. Chiều nào về, tôi không hỏi hôm nay con  được bao nhiêu điểm, mà chỉ hỏi trưa nay con ăn gì. Cho đến lớp mười hai, vẫn một câu hỏi đó…


Rồi cũng lại nhớ ngày xưa mẹ tôi nấu nhiều món ăn mà đến giờ con gái tôi vẫn nhắc và thèm thuồng. Có khi chỉ đơn giản là  một món cá kho hoặc một món chè … Ấy là vì sau này Ngoại lớn tuổi rồi , nên con gái tôi  chưa được thưởng thức nhiều món ngon Ngoại làm. Hồi xưa Ngoại làm đủ các món bánh, bánh ta có, bánh tây có. Mỗi lần  Ngoại học làm món bánh mới, thực hành chưa đạt, là ngoại làm đến kỳ được mới thôi. Nhớ món bánh bông lan bắt kem có dạo Ngoại làm,  ăn đến ngán. Nhưng ngoại lại vui, hầu như  hạnh phúc của Ngoại là được chăm chút cho chồng con.


Hồi đó khi chị lớn tôi có đứa con đầu lòng, chị đã viết ngoài bìa một quyển sách “Nuôi dạy con”  câu ca dao: “ Con chim se sẻ nó đẻ cột đình. Bà ngoại sinh má, má sinh mình, em biết không ? “. Có lẻ,  phải bao nhiêu năm sau  tôi mới càng ngày càng  thấm thía... Người ta nói : “ Nước mắt chảy xuôi “ ...

19 nhận xét:

  1. chung một nỗi lòng,hì hì,khóc rồi cười...
    Cách đây vài năm,khi bé T. lần đầu đi,mình khóc quá chừng,chứ ko giữ trong bụng như M. đâu :)
    Nhìn căn phòng trống vắng,thấy sao mà vô nghĩa quá,rồi bất giác nghĩ mai mốt mà hắn có chồng,hai hàng nước mắt lại tuôn.Giờ nhớ lại sao mà thấy nhảm ghê M.à.

    Trả lờiXóa
  2. Nhớ con quá hả chị, rồi khi nào nó về chị lại nấu bù những món ngon mà cu cậu yêu thích! Những món mẹ nấu dù có đi bốn phương trời cũng chẳng quên được đâu!

    Trả lờiXóa
  3. Đọc những gì chị viết thật xúc động.

    Có những năm tháng lùi xa, kỷ niệm củ lại quay về nhiều lúc khiến mình phải da diết khôn nguôi chị nhỉ! Bên nồi cá kho thơm nghi ngút, và ly chè mát ngọt...chợt thấy mình nhớ mẹ, và cũng chợt thấy ta đã già..!

    Trả lờiXóa
  4. Loli : Cái gì cũng giữ trong bụng , nặng bụng lắm ...
    Con gái coi vậy chứ không ...mất đi đâu mà lo. Thời buổi bây giờ rồi... phải không TT ?

    Trả lờiXóa
  5. thuthuy : bây giờ mà nghĩ đến một năm nữa... thấy sao mà lâu , TT nhỉ !

    Trả lờiXóa
  6. bachtungtuyet : Những gì về Mẹ đều cho ta cảm xúc da diết và ấm áp em nhỉ !

    Trả lờiXóa
  7. Đúng là bà mẹ... Việt Nam, có thể kệ... tía nó, nhưng thằng con phải là trên hết... hehe!

    Trả lờiXóa
  8. Hehe, tía là ông vua , còn con là ... thái tử.

    Trả lờiXóa
  9. Điều làm Bu suy nghỉ lại chính là cái tựa đề "Con chim se sẻ nó đẻ cột đình". Bà ngoại sinh má, má sinh mình là lẽ tất nhiên, là bình thường, thế thì can hệ gì một điều hoàn toàn không bình thường là chim sẻ đẻ ra cột đình? Bạn trích một phần câu ca sao làm tựa đề bài viết là quá xác đáng nhưng tại sao như vậy thì còn phải nói dài dài...

    Trả lờiXóa
  10. Nho con ma ko dam noi chi a...vi so no cung nho nha ko chiu hoc va doi ve huhu...nen cu buon va khoc mot minh huhuhu.....

    Trả lờiXóa
  11. bác Bu :
    "Con chim se sẻ nó đẻ cột đình..."
    Hình ảnh một con chim se sẻ một mình chui vào chỗ kín đáo, an toàn là cái đầu cột đình ẩn dưới mái đình để sinh con ... có lẻ là hình tượng hay để nói lên những nhọc nhằn và tấm lòng của những Bà Mẹ , cho nên mới có câu ca dao đó ....Marg. nghĩ thế bác Bu ạ!
    Còn Bác Bu nghĩ sao, cho Marg. biết với nhé !

    Trả lờiXóa
  12. phuongvu :
    Thôi mà, hiểu nỗi lòng của bà mẹ này rồi. Hôm nào buồn quá thì la lên rủ rê hội... Ohm đi .. (-:

    Trả lờiXóa
  13. Con chim se sẻ nó (đẻ ở) cột đình
    Con chim se sẻ nó đẻ (ra cái) cột đình
    Hai câu này hoàn toàn khác nhau
    Câu thứ hai phải chăng có họ hàng với:
    Bao giờ rau diếp làm đình
    Gỗ lim ăn ghém thì mình lấy ta
    Bao giờ chạch đẻ ngọn đa
    Sáo đẻ dưới nước thì ta lấy mình.

    Trả lờiXóa
  14. @bangtamngt, @bulukhin, cái câu ca dao Nam bộ:
    Con chim se sẻ
    Nó đẻ cột đình
    Bà ngoại sinh má
    Má sinh mình
    Em biết không em.
    Là để chỉ chuyện đương nhiên đời này tiếp nối đời nọ (bà ngoại sinh má, má sinh mình), rồi mình lại sinh ra con mình... Chứ không có ý ám chỉ việc gì trái khoáy, cho nên trong câu đầu "Con chim se sẻ/ nó đẻ cột đình" sẽ được hiểu là "Con chim sẻ nó đẻ (ở) cột đình", là điều đương nhiên trong cuộc sống (chim sẻ hay làm tổ dưới mái hiên nhà, mái đình, mái chùa) chứ không phải chim sẻ đẻ (ra) cột đình (là điều trái khoáy, hoặc nói "trạng" kiểu Bác Ba Phi). Từ ngữ của ta ảnh hưởng tàu nên nhiều khi hơi tối nghĩa, hoặc có thể giải thích theo nhiều cách khác nhau. Nếu chỉ câu "Con chim se sẻ/ nó đẻ cột đình" thì khó hiểu, nhưng toàn câu ca dao sẽ dễ hiểu hơn. Các bạn đồng ý chứ?

    Trả lờiXóa
  15. Con chim se sẻ/Nó đẻ (ở) cột đình - ở đây chắc các cụ cũng muốn ngậm ngùi thương cho phận con sẻ bé bỏng cũng như phận đàn bà từ xưa đến nay phải vượt cạn một mình! Không biết câu ca dao này có ý đó không? Hai bác và chị BT giải thích giùm với!

    Trả lờiXóa
  16. @nguyenthuthuy, tôi nghĩ câu ca dao này (nguyên câu như tôi đã dẫn ở trên), là của người chị nói với người em (có thể là trai hoặc gái), để có ý nói, chị em mình cùng một nguồn gốc cho nên trong cuộc sống phải đùm bọc thương yêu nhau, còn chuyện con chim sẻ đẻ ở cột đình bởi chim sẻ làm tổ ở đấy, dẫn ra điều này là để nói lên cái ý chính phía sau thôi.
    Nhân nói chuyện tối nghĩa hoặc một câu hiểu theo nhiều cách, câu thành ngữ "Gái một con trông mòn con mắt", trước giờ được hiểu là "phụ nữ mà có một đứa con thì đẹp hẳn ra để người nhìn (chắc mấy ông) phải mòn cả mắt". Vậy mà có lần tôi nghe một bà cụ cỡ tuổi cha mẹ mình giải thích "Cháu ơi gái một con trông mòn con mắt không phải là gái có một con thì xinh đẹp để người khác nhìn mòn con mắt đâu, mà khi con hơi lớn lớn đi đâu vắng trông chờ nó đến mòn mắt đó". Thì ra bà cụ chồng chết sớm cũng chỉ có một đứa con trai nên giải thích như thế. Ngẫm cũng thấy có lý, nhưng mà chắc hiểu như thế là theo kiểu "dị bản", chứ hồi giờ tôi thấy nhiều người (có cả tôi) vẫn hiểu là gái một con trông (nhìn) mòn mắt thật, hehe!
    Quên câu Con chim se sẻ nó đẻ cột đình, có thể hiểu theo ý này nữa, là con chim sẻ được đẻ (sinh) ra ở (cái tổ) nơi cột đình, cũng giống như cách hiểu con chim sẻ đẻ con (trứng) ở (cái tổ) nơi cột đình. Ấy là tôi nghĩ thế.

    Trả lờiXóa
  17. Bác H. nghĩ câu ca dao trên muốn đề cập đến sự đùm bọc yêu thương cần thiết của anh em trong một gia đình cũng đúng. Riêng Marg cảm nhận, khi đưa vào hình ảnh chim sẻ nhỏ bé tìm chốn sinh con ở cột đình, như muốn gợi lên sự chịu thương chịu khó trong thiên chức sinh và nuôi con của các bà mẹ vậy...

    Trả lờiXóa
  18. Tôi cũng không khác gì... Con cái là tất cả, là gia tài, là niềm vui, là cuộc sống.

    Trả lờiXóa
  19. @Marg Người ta nói : “ Nước mắt chảy xuôi “ ...

    Cau nay rat dung ah chi

    Trả lờiXóa

Dấu chân..

Flag Counter