Chủ Nhật, 30 tháng 8, 2009
Thứ Tư, 26 tháng 8, 2009
Mưa
Khi cơn mưa ào ạt đổ xuống lúc 2g30, tôi đang ở trên tầng 12 của một cao ốc . Nhìn qua khung cửa sổ, chỉ thấy một màn trắng xóa, mờ mịt. Như có lực hút, tôi đi về phía đó. Mưa đang rất gần tôi, tưởng như mình có thể áp mặt vào một lớp bông trắng tinh khiết và lạnh giá. Mưa không chỉ bay mà còn múa lượn vòng, ngoay ngoắt, theo từng đợt gió. Xa xa, một tháp chuông nhà thờ nổi lên mờ ảo giữa những mái nhà cao, thấp nhạt nhòa …
Không nhìn thấy những lô cốt, không nhìn thấy những con đường ngập nước chen chúc, thành phố dưới mưa vẫn đẹp. Tự dưng lại nghĩ hay là… dọn lên ở trên một căn phòng cao ốc. Sẽ được gần với gió , với mây trời hơn… xa những khói bụi, ồn ào…, biết đâu mỗi chiều còn được vẫy vẫy chào đàn én bay ngang …
Một cái gì đó lôi tôi về thực tế .Tôi muốn được một mình ngắm mưa, nhưng không thể một mình, càng không được hai mình… Và tôi cũng không phải đến đây để ngắm mưa … Chợt nhận ra mọi người đều ra đứng cạnh mình, bên cửa sổ. Tôi buồn cười , quay trở lại công việc.
Ra về, mưa vẫn bay bay. Con đường trung tâm thành phố mới đó mà đã ngập.Giấc mơ cao ốc đi qua. Chợt nhớ lắm cơn mưa rạt rào trên mái ngói sẫm màu. Những giọt nước trắng trong đọng lại trên diềm mái rồi rơi xuống tí tách trên những chiếc lá xanh ve vẫy. Nhớ đám bụi nước li ti tinh nghịch không thể chen giữa một niềm ấm áp … Cuộc sống vẫn đẹp dù bao giấc mơ đã đi qua …
Thứ Hai, 24 tháng 8, 2009
Tịch lặng
Nhật nguyệt trên cao
Ta ngồi dưới thấp
Một dòng trong veo
Sao lòng còn đục
Bầy vạc bay qua
Kêu mòn tịch lặng
Đường đời không xa
Sao chồn gối chân
......
( TCS )
Thứ Sáu, 21 tháng 8, 2009
Thứ Sáu, 14 tháng 8, 2009
Bài thu hoạch
Ở một góc độ nào đó, tôi cũng có thể được xem là trò ngoan. Thầy dạy sao nghe vậy. Thầy làm sao, tôi làm vậy. Chẳng hạn khi tôi học chụp hình, thấy thầy PNH chụp hình bông súng, tôi cũng chụp hình bông súng, thầy chụp chim sẻ, tôi cũng chụp chim sẻ. Có người ở quê Quảng Nam vào cho thầy một bọc trái sim. Thầy chụp ngay rổ sim tím post hình lên blog... May sao, hôm vừa rồi , tôi cũng có người ở quê Đồng Tháp lên, mang cho một xâu ếch. Tôi lập tức thực hành bài học ngay, bắt hai chú ếch cho vào xô nhựa, bấm máy một phát.
Thế là có ngay một tấm hình " Ếch ngồi đáy xô " (he,he...)
Thứ Ba, 11 tháng 8, 2009
Lẩn thẩn
Các em làm việc chung với tôi khi còn rất trẻ . Có em mới ra trường, có em đã đi làm được ít năm. Chúng tôi thường làm việc theo nhóm. Hồi đó cứ sau mỗi buổi đi công tác chung, thường là lòng vòng thành phố, cả nhóm lại kéo vào một quán café, trò chuyện vui vẻ nhẹ nhàng. Mỗi năm, cứ Tết vào, tôi đi một vòng bắt tay tất cả các em thay cho lời chúc năm mới. Sau buổi họp mặt đầu năm, cả bọn lại kéo nhau vào một quán café, có năm thì đi Bình Quới, có năm chạy tuốt xuống Water World… Nhiều cái Tết như vậy đã đi qua…
Mùa hè thì í ới cùng nhau đi nghỉ mát. Cái tiêu chuẩn được kèm theo người thân đi nghỉ mát, ban đầu là dành cho các ông bố, bà mẹ của các chàng trai, những năm sau đó, lần lượt được thay bằng các cô gái trẻ đẹp…
Dịp hè năm nay, các chàng trai trẻ ngày nào, đi nghỉ mát ở biển đều kèm theo một đệ tử, sàn sàn nhau. Giỏ nhà ai , quai nhà nấy… Anh chàng béo ù thì đệ tử cũng béo ù. Nhóc béo ù ôm khư khư một gói bánh snack, tỉ tê tâm sự với tôi : “ Mẹ con bận không đi chơi được, mẹ dặn đi chơi về phải có quà cho mẹ, nhưng bố nói bố hết tiền rồi cho nên con để dành gói bánh này mang về cho mẹ “ . Tôi gật gù xoa đầu thằng bé. Chẳng hổ danh anh chàng béo ù bố, nổi tiếng yêu mẹ cực kỳ, mẹ nằm bệnh viện, một tay anh chàng chăm sóc bế bồng…
Anh chàng tướng cứ lơ ngơ thì thằng con cũng vẻ lơ ngơ. Mẹ mới sinh em bé. Hai cha con dắt díu nhau đi chơi, lơ ngơ thế nào, thằng con bị sây sát, trầy trụa cả mặt. Bố than vãn : “ Về thế nào cũng bị ông nội la!” Anh chàng này cưới vợ, tiêu chuẩn chọn vợ là phải được cả đại gia đình của mình chấp nhận. Nay thằng con mình bị đau cũng chỉ lo bị ông nội la rầy !
Con anh chàng thứ ba, cứ bắt tôi phải dõi mắt nhìn theo nó, khi nó lang thang một mình dọc bãi biển. Trông nó ngơ ngác… không biết có đúng thế không hay chỉ là tôi có cảm giác. Mấy năm trước nó vui vẻ, huyên thuyên với ông bố và bà mẹ đẹp điệu đàng như người mẫu. Năm nay bố mẹ nghe đâu đã ly dị. Ông bố ngồi trầm ngâm với lon bia, thằng con đi một mình ra biển, xớ rớ bắt chuyện với người này, người kia và cả với những người lạ mà nó tưởng là làm chung cơ quan bố.
Mà thôi, những người trẻ tôi tin rằng vẫn tìm thấy niềm vui trước sóng biển, với vô vàn những trò chơi. Chỉ có tôi là lạ lùng, ngồi trước màu xanh ngăn ngắt, bao la của biển lại nghỉ đến những biến dịch đến khôn cùng của đất trời ….
Thứ Sáu, 7 tháng 8, 2009
Thứ Năm, 6 tháng 8, 2009
Mưu sinh
Một buổi sáng sớm, ngồi ở bãi biển, tình cờ nhìn thấy một đôi vợ chồng ngư dân chuẩn bị ra biển. Có lẻ với họ, chỉ là bắt đầu một ngày mưu sinh bình thường.
Nhưng tôi không thể nào rời mắt khỏi họ. Hình ảnh hai vợ chồng loay hoay đẩy chiếc thuyền thúng xuống nước, để rồi người chồng một mình ra khơi với chiếc chèo mỏng mảnh, chiếc thuyền thúng nhấp nhô trên từng con sóng bạc, nhỏ dần... Người vợ quay về, với những công việc trên bờ … Cuộc sống có lẻ cứ thế mà tiếp nối… Biển cả mênh mông luôn có nhiều điều cho ta nghĩ ngợi …
Khá chuyên nghiệp, vì có một "xe đẩy" đưa thuyền thúng xuống nước
thuyền xuống nước rồi, người vợ kéo chiếc xe đẩy trở lại...
Chồng một mình đẩy chiếc thuyền ra xa bờ
Một ngày mưu sinh bắt đầu...
Thứ Ba, 4 tháng 8, 2009
Thứ Bảy, 1 tháng 8, 2009
Viết cho con trai
Sáng nay ngồi xếp lại chiếc áo truyền thống của lớp SN1 của con trai, trên có kẻ dòng chữ : LeHongPhong 06-09 . Tous droits réservés. Ngắm nghía một hồi những nét vẽ buồn cười của con trên áo, rồi xếp lại, cất vào một ngăn tủ, như cất kỹ một kỷ niệm. Một chặng đường đã qua…
Các bạn và con thường nói với nhau , lớp tụi mình thuộc thế hệ “chuột bạch“. Vì cứ bắt đầu mỗi cấp học, lớp con là cấp lớp đầu tiên áp dụng một thay đổi nào đó trên cả nước: thực nghiệm, thí điểm, cải cách, đổi chương trình giảng dạy, đổi toàn bộ sách giáo khoa, đổi phương thức thi vân vân …và vân vân…
Những quay cuồng đó cũng đã qua rồi. Thời gian gần đây mẹ lại thấy thế hệ con quá sung sướng hơn thế hệ mẹ ngày trước. Hồi đó mẹ bước vào ngưỡng cửa đại học chỉ có một lựa chọn duy nhất. Chỉ có một kỳ thi đại học vào một trường, một khối thi duy nhất. Chọn, không chọn, chọn, không chọn … vắt óc ra để chọn cho mình một hướng đi giữa muôn ngàn những điều không thể lường trước được. Còn con bây giờ vừa thi tốt nghiệp xong, đang ôn thi đại học, thì tới tấp ngày nào cũng có thư của các trường: đại học quốc tế trong nước , ngoài nước, dân lập, tư thục… mời đến đăng ký ghi danh, rồi nào là hội thảo du học, nào là… Thời buổi này muốn có thông tin cá nhân sao dễ quá. Ngoài bì thư người nhận là tên con , tên trường LHP, nhưng địa chỉ là ở nhà. Ôi trời đếm không xuể, riết chẳng còn thì giờ đâu mà mở ra xem nó nói gì trong đó.
Có hôm con vừa thi đại học về, một trường cao đẳng, không rõ là dân lập hay tư thục , gửi thư đến thông báo bạn đã trúng tuyển vào trường, mời đến làm thủ tục nhập học. Con la toáng: “ Hmmm, trường này cho rằng mình không đậu nổi đại học hay sao, nó trù mình rớt đây mà ! “ Mà thôi , giáo dục bây giờ cũng là một lãnh vực kinh doanh đấy thôi…
Ngày con lên máy bay, cũng là ngày biết tin con đậu Đại học Bách Khoa. Mẹ bồi hồi. Nhớ lại trước ngày đăng ký thi đại học, mẹ đã đưa con đến trường, vào phòng đào tạo cho con tìm hiểu các ngành học. Mẹ đưa con đi một vòng trường, qua các khu nhà của các khoa. Mẹ dẫn con đến khu nhà mẹ đã học, đi qua dãy hành lang, khoảng sân cỏ, chỉ chỗ ba con và các bạn ngày trước trồng… cây mít lưu niệm. Nếu con không chọn phương án đi học xa, thì giờ đây con sẽ bước vào giảng đường ngày nào ba mẹ đã từng ngồi…
Con bây giờ có nhiều phương án để lựa chọn và con đã quyết định phương án chọn một cách dễ dàng. Xếp lại kết quả đậu hai trường đại học bên này, con chuẩn bị bước vào giảng đường ở một ngôi trường xa lạ. Bắt đầu một cuộc sống tự lập …
Mẹ chỉ không yên tâm là sức khỏe con không được tốt, sau bao ngày vừa ôn thi đại học, vừa phải chuẩn bị mọi thứ cho việc đi học xa. Chưa nghỉ xả hơi được bao lâu, con lại phải lao vào học tập ở một môi trường hoàn toàn mới… Cuộc sống luôn đòi hỏi nghị lực. Mẹ tin ở con trai. So với rất nhiều những bạn bè trang lứa, cuộc sống còn đầy dẫy khó khăn, con thuận lợi hơn nhiều. Nói như vậy để con thấy, con sẽ phải cố gắng để thành công với con đường mình đã chọn, chắc chắn là vậy nhé !
Và qua blog của một người bạn của mẹ, có lần mẹ bắt gặp một ý tứ mà mẹ rất thích. Mẹ gửi cho con : “ Ra đi là để trở về ...” . Vậy nhé, con trai !